72 tuổi lại làm nghề lưới, ông Lanh biết rõ từng mùa gió, từng con nước ở biển và không phải ngẫu nhiên, ông gọi khoảng thời gian này là mùa rác nhựa ở biển.
Mặt nước biển trước làng, chỗ nào cũng đan kín, đan dày bởi rác thải nhựa. Thậm chí người trong làng ví đây là tấm thảm rác khổng lồ đầy ám ảnh.
Rác ngập ngụa, níu chân ngư dân mỗi khi phải lội nước ra tàu thuyền. Rác nhiều đến nỗi nhấn chìm cả những thúng chai vốn rất bền bỉ. Nơi ông Lanh thuộc thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Người trong làng ví đây là tấm thảm rác khổng lồ đầy ám ảnh. Ảnh minh họa
Vịnh Cam Ranh là một trong những vùng nuôi thủy sản lồng bè có tiếng ở Khánh Hòa. Thức ăn để nuôi thủy sản chứa trong bao nhựa. Mỗi lồng nuôi mỗi ngày có hàng chục bao. Tất cả cho xuống biển. Đó là chưa kể rác thải từ du lịch. Gió mùa Đông Bắc dồn rác nhựa vào bờ. Đã vậy, trên bờ, cả thôn Bình Lập với hàng trăm hộ dân sinh sống cũng xem biển là túi rác.
Rác nhựa từ bờ thải xuống biển. Mùa gió bấc, biển lại đưa rác vào bờ. Trong khi đó, việc thu gom xử lý lại chưa làm được.
Các đại dương trên toàn cầu hứng chịu khoảng 12 triệu tấn rác nhựa mỗi năm. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, đã có 373 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng do vướng hoặc nuốt phải nhựa và vi nhựa.
"Làm sao để ngăn chặn thì việc đầu tiên phải giảm nguồn thải ra và để giảm nguồn thải ra thì cả ý thức cộng đồng cũng như cơ chế, chế tài" - PGS. TS. Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học nói.
Mối nguy rác nhựa ở biển liên tục được cảnh báo. Nếu mỗi vùng biển vẫn chưa có cách giải quyết thì mối nguy vẫn còn đó. Và những mùa rác nhựa ở biển cứ thế mà lặp đi lặp lại với mức độ đáng ngại hơn sau mỗi năm.