“Lãnh đủ” vì thức ăn kém chất lượng
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, những năm gần đây, số lượng nhà máy sản xuất TĂTS đã tăng đáng kể, với khoảng 130 nhà máy và 110 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung, chưa kể một lượng lớn cơ sở nhỏ lẻ. Khảo sát của Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm (Tổng cục Thủy sản) trên 39 mẫu TĂTS đã phát hiện 6 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 15%).
Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đạt chỉ tiêu protein, lipit, chất xơ theo tiêu chuẩn công bố... Năm 2012, Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra mẫu thức ăn, chế phẩm sinh học bán trên địa bàn tỉnh và phát hiện gần 50% mẫu không đạt tiêu chuẩn.
Nông dân Hoàng Minh?nuôi cá tra ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: Mỗi độ đạm trong TĂTS thường chênh nhau 200 – 500 đồng, do đó doanh nghiệp (DN) chỉ cần gian lận 2 độ đạm/bao 25kg là đã thu lợi 10.000 - 12.500 đồng/bao. Nông dân không đủ điều kiện để kiểm định chất lượng TĂTS nên đương nhiên chịu thiệt hại.
Cũng theo anh Minh, vì mục tiêu lợi nhuận nên một số DN thường viện cớ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao để cố tình cắt giảm các thành phần quan trọng trong thức ăn, hoặc thay thế bằng những thành phần kém giá trị dinh dưỡng, khiến vật nuôi chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, hệ số tiêu tốn thức ăn cao, dẫn đến giá thành sản xuất tăng theo, và đương nhiên chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người nuôi mà về lâu dài còn ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.
Kiểm tra không xuể
Câu hỏi đặt ra là, vì sao thức ăn trong nhà máy kiểm tra vẫn “đạt tiêu chuẩn”, nhưng sau khi qua đại lý rồi tới tay nông dân thì lại giảm chất lượng?
Theo thống kê, trên thị trường hiện có khoảng 5.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 3.000 sản phẩm thức ăn bổ sung, song các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được khoảng 100 sản phẩm. Và hiện nay, cũng chỉ có duy nhất Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm được cấp chứng nhận chất lượng cho sản phẩm TĂTS.
Ông Bùi Đức Quý - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, kiêm Giám đốc Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm cho biết: “Chỉ riêng con tôm đã có 17 loại thức ăn cho các giai đoạn khác nhau; 2 loại tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) đã là 34 loại thức ăn. Hầu hết trong số đó là thức ăn bổ sung, còn thức ăn tổng hợp chỉ có 6 loại. Nhiều danh mục thức ăn không phải là không tốt, mà do DN nghĩ ra để kinh doanh, thu lợi nhuận. Năm 2012, qua thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện mấy trăm vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng. Vụ chúng tôi không có điều kiện để kiểm tra thường xuyên mà giao cho các địa phương thực hiện”.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nêu thực tế: Ở các nước phát triển, việc lấy mẫu sản phẩm nhập khẩu được thực hiện rất nghiêm, không chỉ có đội ngũ kỹ thuật viên thành thạo mà họ còn có máy móc hỗ trợ hiện đại. “Đó là điều mà ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của ta chưa làm được. Máy móc trang thiết bị lạc hậu nên việc phân tích mẫu vừa chậm vừa sai số cao, khiến ngành chức năng khó phát hiện kịp thời sai phạm. Trong khi đó, do lợi nhuận cao nên không ít DN, cơ sở sản xuất sẵn sàng nộp phạt để rồi lại tái phạm”- ông Lịch nói.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Đức Quý, việc vi phạm xảy ra chủ yếu ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. “Một nguyên nhân khiến việc quản lý chất lượng TĂTS còn nhiều bất cập là do hiện nay chúng ta chưa có quy chuẩn kỹ thuật, chưa có văn bản luật dành riêng cho TĂTS. Nếu có quy chuẩn, sẽ còn nhiều danh mục phải kiểm tra nữa, trong khi chúng tôi không có đủ điều kiện để thực hiện kiểm tra, hậu kiểm toàn bộ. Một mẫu phân tích đã mấy triệu đồng, 10 mẫu là gần trăm triệu, mà mỗi năm Nhà nước chỉ cấp cho công tác này vài trăm triệu đồng thì kiểm tra sao xuể” – ông Quý cho hay.
Ông Búi Đức Quý nhấn mạnh: “Để nâng cao công tác quản lý chất lượng TĂTS, trước hết cần hoàn chỉnh hệ thống văn bản, đẩy mạnh công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường đầu tư trang thiết bị và nguồn lực cho công tác hậu kiểm, cũng như hệ thống thanh tra cấp tỉnh; rà soát và chấn chỉnh nghiêm hoạt động sản xuất, kinh doanh TĂTS; tuyên truyền người dân khi sử dụng thức ăn nên chọn những nhãn hiệu có uy tín, địa chỉ rõ ràng…”.