Anh Nguyễn Văn Bảy, ngư dân ở bãi Xóm Câu (nay thuộc khu vực Phước Lộc, phường Tân Lộc), gắn bó với nghề săn cá bông lau trên 20 năm, chia sẻ: “Gần đây cá bông lau mỗi năm một ít. Từ trước Tết đến mùng 10 tháng Giêng mà cả bãi Xóm Câu chỉ lưới được 2 con…”.
Bông lau là loài cá da trơn, tên khoa học Pangasius Krempfy, thuộc chi cá tra (Pangasius), loài di trú và là đặc sản của dòng Mekong. Loại cá này, con to có thể nặng trên 10kg, thân hình mới nhìn giống như cá ba sa hoặc cá dứa nhưng dáng thon, dài, da trắng mịn, nổi bông phấn, khi gặp ánh nắng mặt trời, màu sắc ánh lên rất đẹp.
Là loài cá di trú, chúng thích sống ở sông sâu, dòng chảy mạnh hoặc gần các cửa biển và một số nơi cuối dòng Mekong. Đặc biệt trên đoạn sông Hậu chảy ngang qua cù lao Tân Lộc là nơi xuất hiện nhiều cá bông lau. Vì đây là loài cá mỗi năm chỉ xuất hiện một lần nên bà con ngư dân ai cũng náo nức mong tới mùa đánh bắt. Từ hơn nửa thế kỷ qua, tại cù lao Tân Lộc đã hình thành nhiều bãi đánh bắt cá bông lau, trong đó nổi tiếng nhất là bãi Xóm Câu, khu vực Phước Lộc.
Mùa cá bông lau đến không cùng lúc. Có nơi đến sớm từ trước Tết cho đến tháng 2 âm lịch như ở An Giang, Cần Thơ, rộ nhất là những ngày nước rong. Anh Nguyễn Văn Bảy cho biết, hằng năm cá xuất hiện từ cuối tháng Chạp cho đến tháng 2 - 3 âm lịch. Đây là thời điểm rộn ràng, tất bật nhất của Xóm Câu với hơn 30 xuồng ghe sẵn sàng buông lưới. Tuy nhiên, đó là chuyện của 5-10 năm về trước...
Ông Đỗ Hữu Khoan (Út Giáo) đã nhiều đời sống trên cù lao Tân Lộc cho biết, nghề đánh bắt cá bông lau ở Tân Lộc đã ra đời cách nay ít nhất cũng 60 năm, thịnh nhất là những năm 1970-1972. Lúc đầu người ta đánh bắt bằng giăng câu nên mới gọi là Xóm Câu, còn bây giờ là đánh bắt bằng lưới.
Hồi trước, đến mùa cá bông lau, cứ 2 người 1 ghe, thường là vợ chồng hoặc cha con, theo dõi từng con nước để kịp thời chạy ghe ra sông thả lưới. Anh Đặng Minh Tân chuyên sống bằng nghề lưới cho biết, tới mùa cá bông lau, anh em gác bỏ mọi công ăn việc làm ăn để tập trung cho mùa đánh bắt. Đêm nào gió chướng mạnh, có người dính 5-7 con, thu về bạc triệu dễ dàng. Cách nay 5 năm, mỗi lần đi lưới, vợ chồng anh kiếm 10-15 ký cá là bình thường. Vậy mà năm nay, suốt gần nửa tháng đương đầu với sóng gió chỉ lưới được một con duy nhất nặng 7,5kg, bán với giá 280.000đ/kg. Còn bạn bè anh thì sáng nào cũng về xuồng không.
Cách nay khá lâu, một lần đến Tân Lộc, lúc mặt trời vừa tắt hẳn, dòng sông tối sầm lại, chúng tôi đã thuê chiếc xuồng máy bám sát theo ghe lưới của vợ chồng anh Đỗ Văn Hòa, 56 tuổi, một “chuyên gia” đánh bắt cá bông lau. Anh chia sẻ với chúng tôi: Loài cá bông lau “kỳ bí” lắm, có những đêm cả dòng sông này chẳng ai đánh bắt được một con; lại có đêm, người nào cũng trúng 5-7 con. Có người may mắn dính cá to 9-10 ký, cả xóm đều mừng như trúng số. Khoảng 10 năm trước, một người lưới giỏi, mỗi mùa cá bông lau có thể thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhưng nay thì cá càng ngày càng ít, nhiều đêm thức trắng nhưng chẳng được con nào.
Nay thì anh Nguyễn Văn Bảy và anh Đặng Minh Tân, những người gắn bó với Xóm Câu, từng vui buồn với anh em trong nghề hạ bạc, buồn bã than: “Cá bông lau không về nữa. Cá bỏ xứ đi biệt rồi! Anh em tui buộc lòng phải gác lưới đi tìm nghề khác mưu sinh”.
Không chỉ riêng ở Tân Lộc mà những nơi nổi tiếng nhiều cá bông lau như Vàm Nao (An Giang), Lai Vung (Đồng Tháp), Đại Ngãi và Cù Lao Dung (Sóc Trăng)… cá cũng không về nhiều. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường sinh thái, đặc biệt là dòng chảy từ thượng nguồn bị ngăn chặn nên cá thiên nhiên không còn sinh sôi nẩy nở…
Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã sản xuất được cá bông lau nuôi ao hồ nhưng vẫn có nhiều người chỉ muốn thưởng thức cá thiên nhiên. Do vậy mà giá cá bắt được trên sông càng ngày càng tăng cao, nhất làm năm nay, giá cá bông lau tại các chợ Long Xuyên, Châu Đốc, Thốt Nốt, Lai Vung, Sóc Trăng đạt mức kỷ lục 400.000-500.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần cùng thời điểm năm rồi. Nhưng mà giá cao mà làm gì, khi con cá bông lau đã không còn về nữa!