Ngay từ những ngày đầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, làm lúa trên đất nuôi tôm được các cấp, các ngành chuyên môn và cả nông dân xác định là mô hình hiệu quả, đảm bảo tính bền vững cho sản xuất. Song, với sức hấp dẫn của con tôm cũng như thời tiết bất lợi, chi phí sản xuất cao…, nhiều nông dân ít làm lúa. Cây lúa cũng dần vắng bóng trên đồng đất nuôi tôm ở Phú Tân.
Làm lúa vẫn hiệu quả
Sau nhiều năm nuôi tôm, thảm thực vật trên đất nuôi tôm không còn, thức ăn tự nhiên cũng dần mất đi, môi trường nuôi thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Từ thực tế này, năm 2018, một số địa phương trong huyện Phú Tân phát động và chỉ đạo nông dân thí điểm thực hiện lại mô hình làm lúa trên đất nuôi tôm. Kết quả bước đầu cho thấy, lúa phát triển tốt và đạt hiệu quả khá.
Sau mấy năm đeo đuổi nuôi tôm công nghiệp nhưng thất bát, thu nhập không ổn định, anh Trần Sáng Mãi, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ lại trở về chọn hướng sản xuất ăn chắc, mặc bền. Năm 2018, anh Mãi quyết định làm lại vụ lúa trên đất nuôi tôm mà hơn 4 năm anh bỏ quên do chú tâm vào nuôi tôm công nghiệp. Anh Mãi thực hiện đúng quy trình rửa mặn, gieo mạ trên sân và cấy trên diện tích vuông nuôi tôm gần 1 ha.
Theo anh Mãi, hiện tại đất đai đã nhiễm mặn, để làm được lúa phải rửa mặn triệt để. Khâu đầu tiên là vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch phải xổ cạn, đào mương phèn trong vuông, mưa xuống xổ ra, không lấy nước vào nữa. Khoảng tháng 5 âm lịch thì vãi mạ trên sân, đầu tháng 7 âm lịch thì nhổ ra cấy xuống ruộng. Lúc này khâu xổ nước cũng hoàn tất, nước ngọt hoàn toàn. Vùng đất này cấy hiệu quả hơn sạ trực tiếp.
Trên diện tích đất hơn 1 ha, anh Mãi chọn loại giống lúa ba bông mẳn do Trung tâm Giống cây trồng Cà Mau cung cấp để gieo cấy. Đến nay lúa phát triển tốt, đang trổ bông, hứa hẹn vụ thu hoạch khá.
Điều quan trọng là đảm bảo cân bằng môi trường nuôi tôm, tạo thức ăn cho tôm nuôi quảng canh truyền thống. Trong thời gian này, tôm, cua vẫn phát triển khá, anh Mãi chọn thả các loại giống ươm hầm đất đã thuần hoá với nước ngọt trong vuông tôm. Anh còn thu hoạch được một số loại cá đồng.
Anh Mãi còn gieo cấy lúa cả trên sân và vườn sau đó thu hoạch lấy rạ để cải thiện môi trường nuôi tôm, làm phân trồng trọt.
Chỉ cần quyết tâm
Qua mô hình này cho thấy, sản xuất lúa trên đất nuôi tôm không khó nếu nông dân có quyết tâm và thực hiện đúng quy trình. Mô hình của anh Trần Sáng Mãi, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ là một cụ thể. Cái khó là chỉ số ít hộ làm nên rất mất thời gian đuổi chim, chuột phá hoại. Riêng lúa trên đất nuôi tôm của anh Trần Sáng Mãi đang phát triển tốt, bông trổ khá đều. Lượng nước trong vuông tôm hiện nay đủ để lúa phát triển đến ngày thu hoạch. Ước tính năng suất không dưới 20 giạ 1 công tầm cấy.
Thực tế này cho thấy, sau nhiều năm không thực hiện, nay làm lại lúa trên đất nuôi tôm vẫn cho hiệu quả tốt. Mô hình này hiện nay đang được địa phương chú trọng nhân rộng nhằm đảm bảo cho sản xuất bền vững.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Phạm Triều Thẳng khẳng định: "Trong vài năm qua, tuy ít nhưng địa bàn xã vẫn có một số hộ làm lúa trên đất nuôi tôm. Lợi ích 2 mặt, có lúa ăn và quan trọng là tôm nuôi cho thu hoạch khá. Chính vì vậy xã chú trọng phát huy nhân rộng mô hình này, nhất là ở những hộ nuôi tôm truyền thống và quảng canh cải tiến.
Đưa cây lúa trở lại trên đất nuôi tôm là cần thiết trong điều kiện sản xuất hiện nay. Bởi cây lúa sẽ tạo môi trường ổn định, tạo thức ăn tự nhiên cho con tôm. Đây là hướng đi bền vững, là yếu tố quan trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu, đất đai cằn cỗi như hiện nay.
Huyện Phú Tân hiện có hơn 39 ngàn ha nuôi thuỷ sản. Nông dân trong huyện đa dạng hoá các loại hình nuôi, trong đó có hơn 420 ha nuôi tôm siêu thâm canh, gần 1.700 ha tôm công nghiệp, hơn 19.400 ha tôm quảng canh cải tiến...