Bỏ tôm sú nuôi tôm thẻ
Vài năm trước, diện tích và số hộ nuôi thẻ chân trắng ở Cà Mau có thể đếm được trên đầu ngón tay. Thế nhưng, hiện tại diện tích nuôi đã tăng nhanh đột biến, phá vỡ quy hoạch của địa phương. Ngày 16.1, chúng tôi chạy dọc theo Quốc lộ 1A đi qua các huyện Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và ghi nhận không khí nhộn nhịp, tất bật đào hầm, lên liếp nuôi thẻ chân trắng của người dân. Tiếng xáng cuốc liên tục rú lên...
Ngồi bên đầm tôm vừa cải tạo nhà mình, ông Nguyễn Văn Kiên (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) chia sẻ: “Thấy bà con trong xóm nuôi tôm thẻ chân trắng thu lời hàng trăm triệu đồng nên mình cũng ham. Vừa rồi tôi gom hết vốn liếng được gần 50 triệu đồng đầu tư múc hầm, mua quạt, mua vôi xử lý… chuẩn bị thả giống nuôi”.
Theo ông Kiên, đầm tôm nhà ông khoảng 2.000m2, ông dự tính thả 100.000 con giống: “Tiền đầu tư ao đầm đã mất hết mấy chục triệu, nên hiện tại còn phải đợi tiền vay ngân hàng mới có tiền mua giống để nuôi. Trước giờ, tôi chỉ nuôi tôm sú, nhưng đợt này làm liều nuôi thẻ mong trúng mùa để có tiền trang trải nợ” – ông Kiên nói.
Cũng đang trong cảnh thiếu vốn như ông Kiên, ông Nguyễn Văn Lượm (cùng ở Tân Hưng Đông) cũng đã đầu tư vài chục triệu đồng cho một đầm nuôi, với diện tích 2.700m2. Ông Lượm cho biết: “Bao nhiêu tiền bạc của nhà tôi đã đổ hết vào việc đầu tư ao đầm, mua sắm thiết bị nuôi nên giờ vẫn chưa có tiền mua con giống. Mấy hôm trước tôi mang sổ đỏ đến ngân hàng xin vay 150 triệu đồng, nhưng vẫn chưa vay được. Họ bảo ra tết mới cho vay, tôi lo là đến khi vay được tiền thì đã lỡ mất thời gian thả giống”.
Làm theo phong trào
Cũng như nhiều nông dân ở xã Tân Hưng Đông, hàng trăm người dân ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước cũng đang đưa cơ giới vào đào hầm nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Khương ở thị trấn Cái Nước bộc bạch: “Nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến hiện tại không có ăn. Bây giờ ở địa phương này nhiều người đào hầm nuôi thẻ nên tôi cũng làm theo”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do ở thời điểm hiện tại nhiều nông dân ở Cà Mau đã nuôi thành công với tôm thẻ chân trắng, thu về bạc trăm triệu nên đã tạo thành phong trào nuôi tôm thẻ tự phát. Bà Nguyễn Thị Thúy ở ấp Đường Tắc, xã Tân Hưng Đông hồ hởi: “Vụ thu hoạch vừa rồi tôi bán được 320 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 190 triệu đồng. Hiện tại gia đình tôi đang cải tạo lại ao đầm để thả nuôi vụ 2”.
Theo nhiều nông dân, tôm thẻ chân trắng đang thu hút người nuôi tôm vì thời gian nuôi ngắn, vòng vốn quay nhanh, nuôi nhiều vụ trong năm. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra lo lắng vì không nắm bắt được kỹ thuật nuôi.
Ông Trần Văn Của – Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, giá tôm đang cao ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Tôm loại 100 con/kg giá dao động từ 135.000 – 140.000 đồng/kg. “Thời tiết thuận lợi, giá tôm tăng cao là động lực lớn nhất để nông dân phá vỡ quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng” – ông Của nói.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ngành chuyên môn cho biết, tôm thẻ chân trắng chỉ cho phép nuôi theo mô hình công nghiệp tập trung ở một số địa phương trong tỉnh. Mô hình này đòi hỏi điều kiện kỹ thuật khắt khe, nhưng hiện tại đối tượng này đang được người dân nuôi tràn lan.
Theo ông Trần Văn Của, đa số những người nuôi tự phát tôm thẻ chân trắng trúng mùa đều ở những vùng nằm ngoài quy hoạch, đất mới. Ở những vùng đất mới trong những vụ nuôi đầu thì khả năng thiệt hại không cao. Tuy nhiên, sang những vụ nuôi tiếp theo thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do nuôi không đúng quy trình, dịch bệnh phát sinh, đất và nguồn nước bị ô nhiễm…
Theo ông Lý Văn Thuận - Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản tỉnh Cà Mau, giá tôm cao cũng là một tín hiệu vui cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, trong thời gian tới giá tôm có còn đạt đỉnh hay không thì chưa thể biết được.
Năm 2013 và tháng đầu năm 2014, tôm nuôi ở một số nước cung ứng lượng tôm lớn cho thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Ecuado… bị thiệt hại nặng do dịch bệnh, thiếu nguồn cung nên giá tôm trong nước tăng mạnh. Do đó giá tôm thời gian tới như thế nào thì còn phải phụ thuộc vào sự phục hồi của các nước sản xuất tôm lớn...
Ông Trần Văn Của thông tin: “Để giúp cho người nuôi tôm không bị thiệt hại, Hội Thủy sản tỉnh đang chuẩn bị mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng cần nên vào cuộc quản lý chặt chẽ vùng nuôi”.
Theo ngành chức năng, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Cà Mau hiện tại khoảng 6.000ha, nhưng có đến 80% diện tích được nuôi tôm thẻ chân trắng. Việc nông dân tự phát nuôi thẻ như hiện nay là một điều đáng lo ngại, phá vỡ quy hoạch và tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát.