Bọt nước văng tung toé, những con tôm to bằng ngón chân cái hiện ra khi đuôi lú được cất lên đã minh chứng 1 vụ tôm trúng đậm khi kết thúc vụ lúa. Anh Châu Hồng Thập nở nụ cười, phấn khởi: “Cái lú này chắc được 2 kg à nghen”.
Niềm vui nhân đôi
Thăm hết số lú đặt trong vuông, đặt thau tôm xuống, anh Thập cho biết: “Chắc được hơn 7 kg. Thấy vậy chứ tôm nhỏ cỡ 40-50 con/kg còn nhiều lắm, đặt lú tỉa thưa bắt tôm 25-30 con/kg cho tôm nhỏ lớn lên thu hoạch tiếp vì mật độ tôm còn dầy quá”.
Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, cộng dồn những hoá đơn bán tôm hằng ngày đã gần 80 triệu đồng. Anh Thập cho rằng, có được hiệu quả cao như vậy là do cây lúa đã cải tạo tốt môi trường đất và nước. Chính vì thế, anh thả tôm chỉ 2,5 tháng đã đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Vụ lúa vừa qua anh cũng thu hoạch trên 20 giạ/công (3 tấn/ha), những người chăm sóc kỹ hơn đạt trên dưới 30 giạ/công (4,5 tấn/ha).
Trưởng ấp Phú Thạnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Nhận thấy lợi ích kinh tế kết hợp của cây lúa và con tôm nên năm 2017, qua vận động, người dân đã thực hiện được 180 ha lúa trên đất nuôi tôm. Năng suất lúa đạt 15-20 giạ/công, có hộ trúng trên 30 giạ/công. Còn vụ tôm thì bà con càng phấn khởi hơn, khi trung bình mỗi hộ thu được trên 70 triệu đồng/ha/vụ. Đa số thả nuôi 2 vụ nên tính ra mỗi hộ thu nhập trên 100 triệu đồng từ con tôm”.
Minh chứng hiệu quả nhất là ngôi nhà trên 300 triệu đồng vừa mới xây dựng xong của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn, cũng từ trúng nhiều vụ tôm trên đất trồng lúa. Ông Sơn cho biết. Nhờ trồng được vụ lúa từ 6 năm qua nên năm nào cũng trúng vụ tôm. Chứ làm mỗi con tôm không trồng lúa thì dễ gì cất được nhà".
Phát triển bền vững
Có được năng suất tôm cao trên đất trồng lúa như hiện nay một phần là do người dân nắm bắt được khoa học - kỹ thuật và áp dụng đúng quy trình canh tác cả cây lúa và con tôm.
Trưởng ấp Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: “Nông dân không những chọn giống lúa chất lượng, có nguồn gốc rõ, tôm giống từ những công ty uy tín mà quan trọng hơn người dân được Phòng Nông nghiệp huyện, UBND xã triển khai mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Đó là dèo tôm giống giai đoạn đầu, sau 1 tháng tiến hành thả ra ao nuôi. Cách làm trên đã mang đến hiệu quả rất cao, do tôm thả đạt đầu con cùng với môi trường thuận lợi từ vụ lúa mang lại. Từ đó nông dân trúng cả vụ lúa và vụ tôm nên ai cũng phấn khởi”.
Năm 2018, người dân ấp Phú Thạnh đăng ký sản xuất ban đầu vụ lúa trên đất nuôi tôm khoảng 200 ha, mô hình nuôi kết hợp tôm càng xanh trên ruộng có 35 hộ/50 ha. Qua đó góp phần nâng diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm trên toàn xã trong năm 2018 là 300 ha.
Có được kết quả trên một phần nhờ dự án khép kín tiểu vùng 2, giai đoạn 1 đã hoàn thành. Và theo kế hoạch của Sở NN&PTNT thì giai đoạn 2 chuẩn bị triển khai trên địa bàn xã, có 5 cống được xây dựng ngăn mặn phục vụ các ấp có điều kiện phát triển mô hình trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Ngọc Sáu cho biết, từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới tháng 7/2015 đến nay, thu nhập của người dân không ngừng được tăng lên. Từ 31 triệu đồng/người nay tăng lên 37 triệu đồng/người và theo kế hoạch, hết năm 2018 đạt 41 triệu đồng/người. Có được hiệu quả trên một phần là do thu nhập của người dân tăng lên từ nhiều mô hình kinh tế, trong đó mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và mô hình tôm - lúa.