Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước nhưng đa số người dân nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống nên năng suất không cao. Để khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có ở địa phương, thì việc thay đổi hình thức nuôi tôm từ quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, bán công nghiệp, công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi trên cùng một đơn vị diện tích là rất cần thiết.
Hiện nay việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn nhiều hạn chế. Đa số người nuôi tôm chưa nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp. Do đó cần phải có những lớp đào tạo chuyên sâu nhằm giúp người dân nắm vững quy trình nuôi tôm công nghiệp cả về lý thuyết và thực hành. Thông qua các lớp học này, nông dân được trang bị những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có thể áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần làm tăng diện tích nuôi tôm sú công nghiệp, năng suất tôm nuôi trên 5 tấn/ha trở lên, tạo ra nguồn nguyên liệu tôm ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Cà Mau.
Để thực hiện lớp học tại hiện trường, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cà Mau tuân thủ đầy đủ các bước bao gồm:
- Khảo sát vùng chọn địa bàn thực hiện lớp học.
Tiến hành khảo sát các hộ nuôi tôm công nghiệp nằm trong vùng quy hoạch trên địa bàn, từ đó đề xuất Ban Giám đốc Trung tâm xây dựng phương án thực hiện lớp học tại hiện trường nuôi tôm công nghiệp trình cấp trên xem xét phê duyệt thực hiện.
Phối hợp với Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện, phòng kinh tế thành phố, chính quyền địa phương xã vận động tuyên truyền bà con nông dân tham gia lớp học. Tiến hành họp dân chọn hộ tham gia lớp học (thông qua đơn xin tham gia lớp học tại hiện trường nuôi tôm công nghiệp của các hộ dân).
- Mở lớp tập huấn tại hiện trường nuôi tôm công nghiệp gồm có 20 nông dân tham gia lớp học.
- Tập huấn lý thuyết kết hợp thực hành tại hiện trường. Học viên được hướng dẫn về lý thuyết và thực hành tại ao nuôi bằng các phương pháp trực quan. Nội dung tập huấn: Cách thiết kế và xây dựng ao nuôi; Cách cải tạo ao nuôi; Cách chọn giống và thả giống; Cách quản lý môi trường, thức ăn, sức khỏe tôm nuôi; Cách đo đạt các yếu tố môi trường như: pH, độ kiềm, NH3…; Cách nhận biết một số bệnh thường gặp trên tôm sú; Cách sử dụng thuốc hóa chất trong nuôi trồng thủy sản; Một số tiêu chuẩn nuôi tôm sú công nghiệp theo VietGAP...
Từ đó tạo cho nông dân có thói quen làm việc theo hướng công nghiệp và có tính khoa học như thời gian làm việc, ghi chép sổ tay, giải thích rõ ràng các công việc liên quan đến sản xuất.
- Hội thảo tổng kết đánh giá lớp học.
Sau khi kết thúc 20 bài giảng, tiến hành tổ chức hội thảo đánh giá. Qua đó nhìn nhận những mặt tích cực đã thực hiện được và rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế để khắc phục, đồng thời nhân rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp.
- Phát động nhân rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp.
Trên cơ sở nông dân nắm vững các kiến thức cơ bản về nuôi tôm công nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư phối hợp với Phòng Nông Nghiệp &PTNT các ban ngành đoàn thể cấp huyện, UBND xã phát động phong trào nuôi tôm công nghiệp ở địa phương, góp phần làm tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.