Theo VASEP, thông tin từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (Mỹ), cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng rất mạnh.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ là 1,469 tỷ USD, chỉ tăng 8,21% so với 9 tháng 2018.
Nhưng tăng trưởng của giá trị cá ngừ nhập khẩu từ Việt Nam lại ở mức rất cao là 51,9% và đạt trên 229 triệu USD.
Mức tăng trưởng như trên về giá trị cá ngừ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ là cao nhất trong những nguồn cung chính cho thị trường này và cao gấp hơn 7 lần so với mức tăng trưởng của nguồn cung lớn nhất là Thái Lan (tăng 7,12% trong 9 tháng đầu năm).
Và với đà tăng trưởng đó, Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 sau Thái Lan về giá trị cá ngừ nhập khẩu vào Mỹ. Đồng thời, thị phần của cá ngừ Việt Nam trong tổng giá trị cá ngừ nhập khẩu vào Mỹ cũng đã tăng lên ở mức 15,6%.
Theo đánh giá của một số chuyên gia thủy sản, ngoài việc tăng nhu cầu từ thị trường Mỹ, cá ngừ Việt Nam đang được hưởng lợi ít nhiều từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Trung Quốc vốn là nước nắm giữ phần lớn thị phần tại phân khúc thị trường loin (thăn) cá ngừ hấp đông lạnh của Mỹ. Năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu 18.109 tấn sản phẩm này từ Trung Quốc. Nhưng năm nay, các công ty của Mỹ đã chuyển sang Thái Lan và Việt Nam để tìm nguồn cung loin cá ngừ hấp đông lạnh, do sản phẩm này của Trung Quốc bị áp thuế cao.
Cá ngừ đóng hộp Trung Quốc cũng chịu tác động lớn vì thuế nhập khẩu vào Mỹ. Năm 2018, 3.769 tấn cá ngừ đóng hộp đã được vận chuyển sang Mỹ.
Trung Quốc cũng từng là nguồn cung cấp lớn nhất các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ cho Mỹ, với khối lượng 12.379 tấn vào năm 2018. Các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ - cá thu ngừ và cá cam nhật, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, đã bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới lên tới 25%.
Các sản phẩm nói trên của Trung Quốc được bán trên thị trường Mỹ dưới tên cá ngừ thịt sáng (Chunk Light) và tập trung chủ yếu vào ngành dịch vụ thực phẩm.
Việc tăng thuế nhập khẩu với những sản phẩm này đã khiến cho các sản phẩm thuộc họ cá ngừ của Trung Quốc gặp khó khăn lớn về cạnh tranh trên thị trường Mỹ và khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ phải tìm các nguồn cung thay thế khác với giá cạnh tranh hơn, trong đó có Việt Nam.
Đưa cá ngừ lên bờ.
Một số sản phẩm cá ngừ của Trung Quốc bị áp thuế cao: Cá ngừ tươi sống loại khác, cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; cá ngừ tươi sống loại khác, cá ngừ vây xanh miền nam; cá ngừ albacore hay cá ngừ vây dài tươi hay ướp đá, trừ gan, trứng, philê, thịt cá ngừ albacore hay cá ngừ vây dài.
Cá ngừ vây vàng tươi hay ướp đá, trừ gan, trứng, philê, thịt cá ngừ; Cá ngừ vằn hay cá ngừ sọc dưa tươi hay ướp đá, trừ gan, trứng, philê, thịt cá ngừ; Cá ngừ mắt to (Thunnas obesus), tươi hay ướp đá, trừ gan, trứng, philê, thịt cá ngừ; cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và Thái Bình Dương tươi hay ướp đá, trừ gan, trứng, philê, thịt cá ngừ …
Theo VASEP, hiện nay, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, từ cá ngừ tươi sống, đông lạnh đến cá ngừ chế biến đóng hộp như: Loin cá ngừ vây vàng đông lạnh, cá ngừ vây vàng cắt viên (cube) đông lạnh, cá ngừ vây vàng cắt lát (saku) đông lạnh, thịt cá ngừ mắt to đóng hộp sắt, cá ngừ ngâm sốt đóng hộp …
Cá ngừ loin, philê đông lạnh là nhóm sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, tiếp đó là cá ngừ đóng hộp, cá ngừ chế biến khác…
Về nhập khẩu cá ngừ nói chung, cá ngừ chế biến hiện đang là nhóm sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ, với giá trị hơn 822 triệu USD trong 9 tháng đầu năm.
2 sản phẩm khác cũng có giá trị nhập khẩu hàng trăm triệu USD là cá ngừ philê đông lạnh (hơn 366 triệu USD) và cá ngừ vây vàng tươi sống/ướp lạnh (161 triệu USD).