Một loài cá có sở thích tắm nắng
Cá nhám phơi nắng (tên khoa học: Cetorhinus maximus) hay còn được biết với tên gọi là cá nhám phơi thuộc một loài cá mập ăn sinh vật phù du rất hiếm gặp.
Với chiều dài cơ thể có thể đạt tới 12m, đây là loài cá lớn thứ hai trên thế giới còn tồn tại, xếp sau cá mập voi.
Sở dĩ, chúng có tên cá nhám phơi nắng là bởi loài cá này có tập tính phơi mình ở những vùng nước ấm và thường được phát hiện ở trên bề mặt nước. Hiện tượng này được thực hiện nhờ vào chiếc gan lớn đến khó tin của chúng (thường chiếm từ 20 đến 25% trọng lượng toàn cơ thể) và trải dài trên toàn bộ khoang bụng.
Theo nhiều người thì gan của cá nhám phơi giữ một vai trò quan trọng trong việc điều tiết độ nổi và lưu trữ năng lượng lâu dài bởi nó chứa đến 60% chất béo cho phép cá nhám phơi nổi lên.
Là họ hàng với cá mập nên loài cá này cũng mang những đặc tính điển hình của cá mập. Cụ thể, chúng có cơ thể cỡ đại, dài hình trục chính với vây lưng hình tam giác, vây ngực thẳng và vây đuôi có hình lưỡi liềm. Vì điều này mà đôi lúc nó hay bị nhầm lẫn với cá mập trắng lớn.
Tuy nhiên, bạn có thể phân biệt chúng dựa trên màu sắc dù đặc điểm này phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện quan sát và tình trạng sức khỏe của các cá thể. Song, hầu hết cá nhám phơi có màu nâu sẫm hoặc xám đen ở lưng và màu sắc bắt đầu nhạt hơn ở phần bụng. Thỉnh thoảng cũng xuất hiện một số con cá nhám phơi sở hữu màu nâu hay xám hoàn toàn.
Thông thường, cá nhám phơi bơi ở vùng nước khá nông, nhưng đôi khi chúng cũng xuất hiện ở độ sâu lên tới 910m. Giống với cá mập hổ hay cá mập đầu búa, chúng cũng có tập tính nổi bật là di cư đến vùng nước ấm hơn vào mùa đông.
Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác tuổi thọ của cá nhám phơi mà chỉ có thể ước tính là khoảng chừng 50 năm.
Chúng sử dụng cái miệng mở rộng đến 1m để lọc sinh vật phù du. Ảnh: mediastorehouse.co.uk
Loài cá khổng lồ vô cùng thân thiện
Cá nhám phơi được cho là loài cá không hề kén chọn môi trường sống, bởi chúng được tìm thấy ở hầu hết các nơi trên thế giới mà phổ biến là khu vực gần đất liền.
Loài cá này ưa thích những vùng nước ôn đới và ấm áp, từ 8 đến 14 °C. Gần đây, nó đã được nhìn thấy ở vùng nước ấm hơn nhiều ở gần xích đạo.
Chưa xét đến những thói quen sinh hoạt khác, cá nhám phơi thường bị xem là một loài cá hung hãn vì cái miệng khổng lồ của mình. Nhưng sự thật là dù cái miệng đó có thể mở rộng đến 1m bao gồm các vòm mang có chứa nhiều lược mang đặc biệt dài 10-14cm thì chức năng của chúng cũng chỉ để lọc sinh vật phù du.
Phần lớn thời gian, cá nhám phơi di chuyển nhẹ nhàng và chậm rãi dưới biển và lọc phù du - thức ăn chính của chúng bằng cách lọc nước qua các khe mang dài với năng suất lọc lên tới 1.800 tấn nước mỗi giờ.
Điều này đã tạo cho cá nhám phơi một ấn tượng rất khác biệt với họ hàng của mình là cá mập. Tuy nhiên, kiểu săn mồi hiền lành và thụ động này đã khiến bộ hàm của chúng trở nên yếu và mỏng với những chiếc răng bé.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), số lượng suy giảm nhanh chóng đã khiến cá nhám phơi được quan tâm nhiều hơn ở Đông Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương và ở phạm vi toàn thế giới. Thực tiễn này bắt nguồn từ những hoạt động săn bắt và mua bán trái phép cá mập để lấy vây với giá trị hàng triệu USD.
Để giảm thiểu những hành vi trái pháp luật trên, ngày càng có nhiều điều luật được triển khai nhằm thắt chặt quá trình bảo tồn và phát triển cá nhám phơi ở một số vùng biển như Liên minh Châu Âu (EU), Anh,...