Cá tầm thuộc gia đình cá Acipenseridae, có thân dài và rất thuôn, di chuyển nhiều và thay đổi vùng sinh thái. Vài loài chỉ sinh sống nơi vùng nước ngọt, có loài sống ngoài biển khơi nhưng bơi ngược trở về sông để đẻ trứng.
Hiện nay ở Việt Nam có 4 loài cá tầm đang được nuôi tại các trang trại nuôi thủy sản ở các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là cá tầm Siberi (Acipenser baerii), cá tầm beluga (Huso huso), cá tầm Nga (A. gueldenstaedtii) và cá tầm sterlet (A. ruthenus). Trong đó, đối tượng nuôi phổ biến nhất tại hầu hết các cơ sở nuôi là cá tầm Siberi. Cá tầm Trung hoa (A. sinensis) cũng được đưa vào nuôi thử nghiệm tại Việt Nam từ vài năm trước.
Nếu như nói thủy sản đem lại nguồn lợi rất nhiều cho các cư dân miền biển thì, giờ đây, cá tầm chính là nguồn lợi lớn cho người dân vùng núi.
Sản phẩm từ cá tầm đang rất được ưa chuộng như trứng cá muối (loại thực phẩm được mệnh danh là “vàng đen trên bàn tiệc”, thịt cá tầm xông khói, cá tầm tươi, động lạnh hay cá tầm khô. Ngoài ra vây cá tầm còn được dùng để làm súp.
Cá tầm giống cũng có thể được bán như một loại cá cảnh. Hay bong bóng cá có thể được sử dụng để gạn lọc rượu, bia và keo hồ.
Một loại sản phẩm của cá tầm gần đây mới xuất hiện trên thị trường Bắc Mĩ chính là ngà biển, được làm từ các mẩu xương trên lưng cá tầm, có thể dùng như một loại trang sức.
Da cá tầm được dùng làm quần áo da, giỏ da hay đóng bìa những quyển sách.
Thịt cá tầm còn chứa hai loại chất dinh dưỡng là EPA và DHA. Hàm lượng DHA trong 100 gr thịt cá là khoảng 0,54 gr, cung cấp tinh chất DHA cho bà mẹ mang thai và trẻ em. Thịt cá Tầm trắng, thơm, dai, khi ăn có vị béo ngậy...lại rất dễ chế biến.
Tuy chỉ mới phát triển ở thị trường nội địa nhưng giá cá tầm thường rất cao, dao động trong khoảng 300.000- 400.000 đồng/kg.
Thế nhưng, niềm vui dường như chưa trọn vẹn khi gần đây, một lượng lớn cá tầm Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhập lậu sang Việt Nam, và giá cá tầm Trung Quốc chỉ bằng 1/2 so với giá cá tầm Việt Nam.
Nhìn bề ngoài, 2 loài cá này tương tự nhau. Theo nhận định của một số tiểu thương bán ở chợ Thành Công( Hà Nội) cho rằng cá tầm Trung Quốc ngắn và béo, còn cá tầm Việt Nam thon và dài hơn. Thường thì khi ăn họ cảm nhận cá tầm Việt Nam ăn thịt dai, chắc, ngon hơn còn cá Tầm Trung Quốc, thịt nhão, không thơm, nhiều mỡ.
Tuy đã sản xuất giống nhân tạo thành công, nhưng một số trại cá tầm nước ta vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cá bố mẹ ngoài tự nhiên, nguồn giống và thức ăn nước ngoài. Cá tầm lại là một loài cá rất khó chăm sóc, đòi hỏi kĩ thuật nuôi cao, sự chăm sóc cẩn thận, khéo léo.
Trung Quốc rất rộng, dân số đông nên nhân công rẻ, khí hậu lạnh, có thể sản xuất thành công giống cá tầm từ rất lâu. Do đó các sản phẩm cá tầm từ Trung Quốc nhập lậu qua đường tiểu ngạch có giá cạnh tranh hơn các sản phẩm trong nước rất nhiều.
Mặt khác, đánh vào tâm lí chung của tiểu thương Việt Nam, lời nhiều, mặt hàng cá ổn định hơn trong nước dẫn đến tình trạng cá tầm Việt Nam khó được tiêu thụ ngay cả thị trường nội địa là lẽ dĩ nhiên như các bài báo.đã đăng.
Cá tầm vốn là loài cá ôn đới, thích hợp với khí hậu mát, nước trong. Nhưng lạ một điều là cá tầm Trung Quốc là có thể trữ được lâu hơn, cho dù nguồn nước trữ đó có dơ đến đâu đi nữa. Như vậy liệu cá tầm Trung Quốc có thật sự tốt cho sức khỏe con người như đặc tính vốn có của nó?
Dù sao đi nữa, với rất nhiều sản phẩm như vậy cá tầm vẫn là một loài cá đầy tiềm năng kinh tế, có thể tiêu thụ rộng rãi cả thị trường nội địa và xuất khẩu, phần nào giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho cư dân vùng núi nước ta, mang lại một nguồn lợi lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Người dân nào đang gắn bó hay có mối quan tâm đến cá tầm cũng rất mong mỏi sự quan tâm của cơ quan chức năng, mở ra một hướng đi bền vững cho sự phát triển của cá tầm, cũng như cho thủy sản Việt Nam một cơ hội phát triển thịnh vượng hơn.