Từ sản xuất giống…
Đồng Tháp đã phát triển mạnh nghề nuôi cá tra giống và trở thành địa chỉ cung cấp nguồn giống hàng đầu của tỉnh và khu vực ĐBSCL. Trong đó, cá tra giống huyện Hồng Ngự đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền. Đây là nền tảng quan trọng để Hồng Ngự nói riêng và toàn tỉnh Đồng Tháp nói chung tiếp tục phát huy, từng bước đồng bộ và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra giống. Cùng đó, để chuẩn hóa quy trình sản xuất ngay từ đầu vào, ngành nông nghiệp địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cải tiến chất lượng cá bố mẹ. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, người nuôi cá tra giống huyện Hồng Ngự đã chuyển từ thế bị động sang chủ động và cho nhân giống theo ý muốn, làm chủ công nghệ, 2 - 3 ngày có thể sản xuất 100.000 - 200.000 cá tra bột. Đến nay, gần 50% cơ sở sản xuất cá bột đã có con giống tốt.
Thời gian qua, việc xây dựng mô hình sản xuất giống cá tra chất lượng cao được tỉnh chú trọng như phối hợp với Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ, hay Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II… đem lại hiệu quả.
Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất giống cá tra chất lượng cao là cần thiết không chỉ của tỉnh Đồng Tháp mà của cả khu vực ĐBSCL. Mới đây, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đang xây dựng Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL”; mục đích tạo nguồn giống cá tra có chất lượng, kháng dịch bệnh, tỷ lệ sống cao...; phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm, đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Bởi, hiện tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống chỉ đạt 10 - 15%. Ngoài Trung tâm Giống thủy sản An Giang, hai địa phương khác là Đồng Tháp và TP Cần Thơ cũng được đưa vào danh sách đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng, nâng cấp thành trại giống cấp 1 của tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2020. Nếu việc này được triển khai, hy vọng chất lượng cá tra sẽ được cải thiện.
Đến nuôi trồng, xuất khẩu
8 tháng đầu năm 2017, sản lượng cá tra xuất khẩu của Đồng Tháp ước 183 nghìn tấn, kim ngạch ước 468 triệu USD, tăng 32% sản lượng và 12% giá trị so cùng kỳ năm 2016. Kế hoạch năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Đồng Tháp ước đạt 260 nghìn tấn, kim ngạch dự kiến đạt 645 triệu USD.
Theo Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, địa phương hiện có 1.504 ha nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện theo quy định với tổng số 1.675 ao; trong đó, diện tích nuôi của các doanh nghiệp hơn 968 ha, còn lại là hộ nuôi cá thể, năng suất bình quân 350 tấn/ha.
Tổng diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn là 809 ha như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Tỉnh có 20 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế hơn 467.000 tấn thành phẩm/năm, ước sản lượng cá tra chế biến 8 tháng năm 2017 đạt hơn 180.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 500 triệu USD.
Theo ông Lê Hoàng Vũ, Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ đầu tháng 7/2017, một số điểm mới đã tác động tích cực đến tổ chức cá nhân nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra; giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người nuôi.
Việc bãi bỏ thủ tục hành chính về đăng ký hợp đồng xuất khẩu do Hiệp hội Cá tra Việt Nam thực hiện, qua đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu bỏ được thời gian làm thủ tục cũng như giảm bớt chi phí thẩm định và đi lại. Việc quy định cụ thể hơn về việc cấp mã số nhận diện, từ việc xác định vị trí, tọa độ của vùng nuôi nay chuyển sang xác định vị trí, tọa độ từng ao nuôi, qua đó giúp dễ dàng trong việc quản lý...
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp: Xét về mức độ tăng trưởng cá tra thì cơ bản đã đáp ứng được một số tiêu chí, tức cá lớn nhanh, tỷ lệ fillet đạt cao. Nhưng, về khả năng kháng bệnh vẫn chưa tốt, vì vậy, về mặt nghiên cứu khoa học cần đầu tư để cá vừa lớn nhanh và có thể kháng được dịch bệnh.