Tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay sang nhiều thị trường có xu hướng chậm lại, nên doanh nghiệp chủ yếu bán cá nhà (liên kết nuôi gia công với nông dân) cũng làm giá cá bên ngoài sụt giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ xuất khẩu sang Trung Quốc đang trên đà hồi phục mạnh, xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh (đạt 221 triệu USD, giảm 40%) do thuế chống bán phá giá (CBPG) ở mức cao. Việt Nam có 62 DN cá tra đủ chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng phần lớn không thể XK vì thuế CBPG cao. Những năm qua, chỉ vài DN không chịu thuế CBPG hoặc thuế suất thấp mới có thể xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Với mức thuế CBPG cao, thị trường Mỹ sẽ chỉ có một vài công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể thâm nhập, những rủi ro về thuế vẫn là rào cản khiến kể cả những DN này cũng phải chủ động mở rộng sang các thị trường khác. Do vậy, xuất khẩu sang Mỹ trong nửa cuối năm khó có thể phục hồi.
Trong khi đó, thị trường số 1 của xuất khẩu cá tra Việt Nam là Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và EU. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm cá tra phi-lê đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Dự báo nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, từ tháng 6 đã tăng trở lại, đặc biệt tăng 71% trong tháng 7 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 8. Các DN xuất khẩu cũng như nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn, do vậy xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm nay.
Dự báo xuất khẩu cá tra của Việt Nam cả năm 2019 đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018.