Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Arizona đang rất vất vả trong việc xây dựng phương pháp chẩn đoán đáng tin cậy đối với Hội chứng tôm chết sớm (EMS) do sự giống nhau giữa loài vi khuẩn gây ra EMS với rất nhiều loài vi khuẩn khác trong môi trường nước mặn.
Linda Nunan, trợ lý khoa học tại phòng thí nghiệm tôm của Donald Lightner, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng để có thể đưa ra thị trường phương pháp đáng tin cậy chẩn đoán bệnh EMS, tuy nhiên, khó khăn đặt ra là chúng ta đang nghiên cứu loài vi khuẩn có tên Vibrio parahaemolyticus rất phổ biến trong môi trường nước mặn. Do đó, chúng ta cần tìm ra sự khác biệt về di truyền giữa chủng Vibrio gây bệnh và không gây bệnh.”
Nunan cho biết bà đã tiến hành kiểm nghiệm bằng PCR để phát hiện chủng vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nuôi cả ở châu Á và Mêxicô, tuy nhiên, phương pháp này vẫn đang trong quá trình đánh giá tính chính xác, nên chưa thể công bố vì nó vẫn có thể gây tác động đối với cả chủng Vibrios không gây EMS. Bà Nunan đã từng nghĩ dịch bệnh này do một loài vi khuẩn đặc trưng hơn gây ra, nhờ đó có thể đưa ra phương pháp chẩn đoán dễ dàng hơn nhiều, nhưng hóa ra không phải vậy.
“Mối quan tâm chính của chúng tôi là xây dựng một phương pháp chẩn đoán chính xác, đáng tin cậy giúp kiểm nghiệm phát hiện bệnh trên tôm bố mẹ, tôm giống và tôm xuất nhập khẩu nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Người nuôi tôm biết rõ hơn chúng tôi trong việc chọn phương pháp xử lý ao nuôi hiệu quả nhất.”