Trong bối cảnh tai nạn tàu cá có chiều hướng gia tăng, cứu nạn rất tốn kém, giải pháp chuyển kinh phí cứu nạn cho ngư dân để tàu cá tự cứu tàu cá cần được nghiên cứu để áp dụng vào thực tế.
Tai nạn nhiều, thiết bị an toàn thiếu
Tại Hội thảo mới đây về vấn đề cứu nạn tàu cá do Cục Hàng hải VN tổ chức, ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng An toàn An ninh hàng hải, Cục Hàng hải VN cho biết, 10 tháng năm 2015, cơ quan này nhận được tới 216 thông tin cứu nạn hàng hải. Trong đó, có 174 tàu cá, chiếm 81% tổng số các vụ cứu nạn. Số vụ tai nạn tàu cá dođâm va cũng gia tăng đột biến, mà phần nhiều là tàu cá bị vỡ, chìm, tổn thất lớn về tài sản cho chủ tàu, ngư dân, thậm chí cả tổn thất về người.
Thống kê cho thấy, hệ thống 31 Đài thông tin duyên hải do Cục Hàng hải VN phụ trách trực canh liên tục ở chế độ 24/7, đã tiếp nhận xử lý 377 sự kiện cấp cứu khẩn cấp từ các phương tiện hoạt động nghề cá trên biển, trợ giúp hơn 1.970 ngư dân trong đó có12 người nước ngoài.
Theo ông Trần Hải Triều, Phó tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Hàng hải VN, tình huống yêu cầu cứu nạn tàu cá trên biển chủ yếu tập trung ở vùng biển xa trong khi tàu cá yêu cầu cứu nạn đa số là tàu nhỏ. “Tai nạn chiếm tỷ lệ lớn do sự cố kỹ thuật như tàu chết máy, hỏng máy, vỡ nước”, ông Triều nói và nhấn mạnh thêm, đáng nói là trang thiết bị thông tin liên lạc nhiều tàu còn thiếu, thô sơ lạc hậu khiến công tác cứu nạn rất khó khăn.
Đồng quan điểm, đại diện Cảng vụ Đà Nẵng cho biết, có trường hợp tàu bị nạn được kéo về tới 38 người mà tàu dài chưa tới 20 m. Trên tàu có thiết bị AIS (thiết bị nhận dạng tự động phát báo TKCN) nhưng lại chưa lắp đặt, chưa biết sử dụng như thế nào. “Nếu tàu được trang bị sử dụng thiết bị này tốt sẽ giảm được rất lớn thiệt hại”, vị này nói.
Vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Ánh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Đúng như các cảng vụ đã phản ánh, tàu đánh bắt cá của bà con đa số rất nhỏ, phần nhiều trọng tải 20 - 30 tấn, đánh bắt tại hai ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa. Do là tàu nhỏ nên không theo các tiêu chuẩn IMO, trang bị trên tàu hạn chế. Về thiết bị liên lạc, tàu đi xa có máy đàm thoại cầm tay ICOM còn tàu đi ven bờ nhiều khi không có”.
Tìm giải pháp khắc phục
Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, gần đây đội tàu khai thác thủy sản của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Trong đó, đội tàu khai thác xa bờ năm 2000 chỉ có 1 nghìn tàu thuyền, đến năm 2015 con số này đã là 30.500 tàu thuyền, chiếm khoảng 27% số lượng tàu thuyền đánh cá.
Cho rằng tai nạn tàu cá thời gian qua gia tăng đột biến, Đại tá Nguyễn Dương Kiên, Trưởng phòng cứu nạn Bộ đội biên phòng cũng cho biết, đa phần tàu cá bị nạn là tàu đánh bắt xa bờ ngoài Hoàng Sa và Trường Sa do gặp vấn đề kỹ thuật, phá nước, hỏng máy… trong khi việc đưa tàu ra TKCN rất tốn kém. “Vấn đề là làm thế nào để ngư dân khi ra khơi được trang bị an toàn hơn, công tác TKCN hiệu quả hơn, giảm bớt thiệt hại cho dân và đỡ tốn kém cho Nhà nước hơn”, Đại tá Kiên nêu vấn đề.
Cũng theo Đại tá Kiên, thời gian qua những vụ việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc và tàu lạ chưa xác định rõ quốc tịch cố tình đâm va trên biển xảy ra khá nhiều. Việt Nam khẳng định vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, do đó động viên ngư dân tiếp tục hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản tại hai vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.
“Trong vùng tranh chấp, có rủi ro, cần tuyên truyền để bà con ngư dân cần đi theo tổ đội, để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Khi có tình huống va chạm, tranh chấp, khiêu khích, nếu giải quyết tại chỗ không được, cần báo ngay cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, thành phố. Ban sẽ căn cứ tình huống cụ thể để cử lực lượng địa phương ra giải quyết hoặc báo cáo Ủy ban Quốc gia TKCN để cử lực lượng thích hợp hỗ trợ”, Đại tá Kiên nói.
Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Hoàng cho rằng, vùng biển chủ quyền của Việt Nam có trên 1 triệu km2, tàu cá gần đây tăng lớn. “Thực tế, chi phí cho mỗi vụ cứu nạn tàu cá ngoài Hoàng Sa, Trường Sa lên tới vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Tất cả đều là tiền của Nhà nước”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, ngư dân tự cứu nhau rất hiệu quả song vì ảnh hưởng đến chi phí nên họ muốn đẩy cho Nhà nước. Nếu có cơ chế, chuyển kinh phí cứu nạn cho ngư dân, họ sẽ tình nguyện cứu nhau.
Theo Cục Hàng hải VN, tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ lắp máy có công suất 90CV trở lên, phải lắp máy thông tin liên lạc tầm xa và phải liên lạc hai chiều với đất liền. Đối với các thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên bờ để liên lạc giữa chủ phương tiện nghề cá trên biển, chủ phương tiện phải đến các cơ quan chức năng làm thủ tục để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.