Trước tiên, việc có một cuốn sổ tay ghi chép lại lịch cho cá ăn hàng ngày để tuân thủ đúng thời gian cho cá ăn là rất hữu ích. Bởi khi cho cá ăn, người cho ăn quan sát các hoạt động bắt mồi của cá sẽ nhận thấy được việc cá tiếp nhận thức ăn ở mức độ thế nào, từ đó sẽ kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn tránh lãng phí. Nguồn thức ăn và liều lượng cho cá ăn cũng như hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá. Tuyệt đối không được sử dụng thức ăn đã quá hạn sử dụng, thức ăn kém chất lượng, bị nấm mốc, thức ăn có chứa các kháng sinh và hóa chất cấm sử dụng của Bộ NNPTNT quy định.
Trong quá trình nuôi, khi cá mắc bệnh phải xử lý kịp thời như làm các xét nghiệm mẫu cá bệnh trước khi chữa trị. Khi điều trị bệnh cho cá phải áp dụng đúng các kỹ thuật như dùng đúng thuốc, liều lượng và thời gian phải hợp lý… theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Cá bị bệnh phải xử lý triệt để không để lây lan nguồn từ ao này sang ao khác. Cần ghi lại kết quả điều trị cho cá như: Kết quả xét nghiệm, thời gian điều trị, loại thuốc điều trị, cách điều trị.
Việc thay nước hàng ngày cho cá cũng rất quan trọng. Hàng ngày, người nuôi cần thay nước với lượng thay khoảng 20-30% tổng lượng nước ao. Nước thải trước khi cho ra môi trường bên ngoài phải có biện pháp xử lý làm sạch. Định kỳ xử lý nước 2 tuần/lần tùy theo chất lượng nước và giai đoạn phát triển của cá.
Để giúp cá tăng cường sức đề kháng, người nuôi nên định kỳ bổ sung Vitamin C và khoáng chất cho cá, giúp cá có đề kháng tốt trong điều kiện môi trường thay đổi và khả năng hạn chế dịch bệnh cao. Thường xuyên treo giỏ thuốc gồm dây giác, vôi bột hay lá xoan được cột chặt treo ở đầu cống cấp nước giúp phòng bệnh cho cá. Không dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho cá. Khi cá còn nhỏ, định kỳ 15-20 ngày xổ 1 lần, cá lớn định kỳ xổ 1 lần/ tháng.
Thời gian thu hoạch cá lóc sẽ tùy thuộc vào loại và kích cỡ giống cá người nuôi lựa chọn khi thả đầu vào ao nuôi. Đối với cá lóc đầu nhím, 5 - 6 tháng cho thu hoạch với lượng trung bình khoảng 0,5kg/con.