Lựa chọn thời điểm sang tôm
Thời điểm chuyển tôm phù hợp là giai đoạn tôm khoảng 20 -25 ngày, lúc tôm đạt trọng lượng 800 – 1000 con/kg. Tiến hành chuyển tôm vào thời gian sáng sớm hoặc chuyển mát, tốt nhất là trước 8 giờ sáng và sau 4 giờ chiều.
Lựa chọn thời điểm sang tôm lúc tôm đang ăn khỏe, gan tôm có màu nâu đen, đường ruột lớn, không bị đứt khúc, khi kéo nhá kiểm tra thấy tôm tập trung nhiều ở nhá, búng nhảy mạnh khi kéo nhá lên khỏi mặt nước.
Chuẩn bị gì khi sang tôm qua ao mới
Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao sang) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi. Ao sang cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
Bà con nên tăng đề kháng của tôm trước khi sang ao bằng cách bổ sung các vitamin khoáng chất dinh dưỡng, các loại hỗ trợ đường ruột và gan tôm khỏe hơn để tăng khả năng chịu đựng khi qua môi trường mới.
Đặc biệt, cần kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm ở ao. Bà con có thể kiểm tra bằng cách dở nhá, nếu tôm không có dấu hiệu mắc các loại bệnh thì có thể tiến hành sang ao bình thường.
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ sang, chuyển tôm, như lưới, lú, nò bắt tôm, thau, xô, vợt lưới các loại, phương tiện vận chuyển… Cân nhắc sử dụng thiết kế hệ thống cống san chuyển tôm, bằng ống nhựa ɸ ≥ 168 mm, nối từ hồ ương sang ao nuôi hoặc ao tôm lứa.
Cân chỉnh các chỉ số 2 ao sao cho tương đương nhau: Trước khi sang tôm, người nuôi cần kiểm tra môi trường giữa ao nuôi và ao ương, các chỉ tiêu như pH, độ kiềm, nhiệt độ,.. không chênh lệch quá nhiều tránh gây sốc tôm.
Công việc cụ thể cần chuẩn bị trước, trong và sau khi sang tôm gồm cắt mồi cử cho ăn sau cùng gần thời điểm sang, hoặc để tôm nhịn đói trước khi sang.
Tiến hành sang tôm
Đối với các hệ thống nuôi mới, được thiết kế theo quy trình nuôi 2 giai đoạn, chỉ cần rút ống thoát đã được thiết kế từ trước, tôm từ ao ương sẽ theo đó mà sang ao nuôi giai đoạn 2.
Kéo tôm bằng lưới. Ảnh: nguoinuoitom.vn
Đối với các ao nuôi không thiết kế hệ thống ống ngầm, có thể sử dụng các dụng cụ để chuyển tôm như: rạp xếp, lú, lưới kéo, thau, giỏ,…; sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để kéo tôm hoặc đặt lú, bát quái để chuyển tôm, trường hợp kéo lưới, cần kéo từng đoạn ngắn, sau đó chuyển tôm đi, tránh để tôm vô lưới nhiều, dễ bị ngộp. Trường hợp đặt lú, bát quái, không nên để thời gian quá lâu, tránh trường hợp tôm bị ngộp do vào quá nhiều.
Sau 3 – 5 mẻ tôm thả sang ao mới nên đánh khoáng, vitamin C, yucca, nhằm chống sốc cho tôm, ổn định các thông số môi trường, tăng cường sục khí trước, trong và sau quá trình chuyển tôm.
Cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết tôm sốc môi trường mới
Có rất nhiều trường hợp tôm sốc môi trường mới, vì vậy bà con cần lưu ý các dấu hiệu để kịp thời xử lý như:
- Khi chuyển sang ao mới tôm bơi lờ đờ trên mặt nước.
- Sau khi chuyển tôm sang ao mới khoảng 2 -5 ngày, tôm xuất hiện nhiều giờ trên mặt nước, nơi lội bất thường quanh ao. Khi xiphong tỷ lệ tôm rớt trong ao cao, tôm rớt đáy còn nguyên con.
- Thân tôm có các dấu hiệu đục cơ, vỏ sần sùi. Đuôi co cụm, hoặc tưa rách. Các phụ bộ bị tổn thương như râu gãy, cụt…
- Trường hợp sốc môi trường nặng ngay sau khi sang ao mới là tôm bị cong thân khó đổi thẳng.
- Tôm khó lột hoặc lột dính vỏ, mềm vỏ, không cứng vỏ, bị chết sau lột.
- Gan tôm bị nhạt màu hoặc chuyển sang màu xanh đen.
- Hoạt động bắt mồi giả, tôm ăn yếu hoặc bỏ ăn, ruột rỗng. Thời gian canh nhá kéo dài, xuất hiện tôm chết trong nhá tăng dần theo thời gian.
Tôm tăng trưởng nhanh, tiết kiệm chi phí nhờ nuôi tôm 2 giai đoạn. Ảnh: Tép Bạc
Sau khi đã hoàn thành xong các công việc cho quá trình sang tôm, bà còn cần nên kiểm tra sức khỏe tôm thường xuyên. Bổ sung các loại vitamin, khoáng và men vi sinh để ổn đinh môi trường ao, hạn chế tôm bị stress. Cho tôm ăn trở lại sau 8-12 giờ kể từ khi chuyển tôm, lượng thức ăn khoảng 80% so với thông thường. Tiếp tục theo dõi để điều chỉnh liều lượng cho tới khi tôm ổn định.