Artemia thuộc lớp giáp xác, được biết đến vào những năm đầu thập niên 30 và sau đó chúng đã trở thành nguồn thức ăn tươi sống lý tưởng trong ương nuôi các giống thủy sản nói chung và tôm cá biển nói riêng (Sorgeloos et al., 2001). Chúng thường sống ở biển tự nhiên hoặc được nuôi trong ruộng muối. Artemia là loài ăn lọc không chọn lựa, kích cỡ 25-30 µm thích hợp cho ấu trùng, 40-50 µm cho con trưởng thành. Khi còn nhỏ, do còn khối noãn hoàng nên Artemia sẽ không cần dinh dưỡng từ thức ăn bên ngoài, sau khoảng 8 giờ sau khi nở thì mới bắt đầu ăn lọc và tiêu hóa các loại thức ăn có kích thước nhỏ như vi khuẩn, tảo, mùn bã hữu cơ… (Nguyễn Văn Hòa và ctv, 2007).
Artemia là loại thức ăn giàu dinh dưỡng (50-60% đạm), giàu acid béo không no (HUFA), axit amin thiết yếu và các sắc tố (Sorgeloos et al., 1998; Lim et al., 2001) chúng có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau (tươi sống, đông lạnh, sấy khô…) làm thức ăn trực tiếp hoặc phối chế với các thành phần khác để làm thức ăn trong ương nuôi tôm, cá.
Tuy nhiên, để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng từ Artemia cho nhu cầu tôm cá, thì các nhà nghiên cứu tiến hành làm giàu hóa Artemia bằng cách bổ sung các acid béo thiết yếu trong thức ăn. Tăng hàm lượng acid béo thiết yếu trong Artemia bằng cách chọn lựa các loài tảo thích hợp làm thức ăn như: Dunaliella, Tetraselmis, Chaetoceros, Navicula, Nitzschia… (Baert và ctv., 1997) vì tảo kích thước nhỏ phù hợp với cỡ miệng của Artemia, dễ tiêu hóa và giá trị dinh dưỡng cao (hàm lượng HUFA cao).
Ngoài việc gây nuôi tảo làm nguồn thức ăn cho Artemia thì thức ăn chế biến cũng được sử dụng như nguồn thức ăn bổ sung. Tuy nhiên, nhược điểm của nguồn thức ăn này là thiếu hụt các acid béo mạch cao không no do thành phần thức ăn chủ yếu là từ bột cá, cám gạo (Sorgeloos et al., 1980). Do đó, kết hợp thức ăn chế biến, cám gạo hay bột bắp và tảo để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và nâng cao giá trị dinh dưỡng sinh khối Artemia là việc làm thiết thực.
Nghiên cứu của Trần Hữu Lễ và ctv., 2018 được thực hiện nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của việc bổ sung thức ăn chế biến với các liều lượng khác nhau kết hợp với tảo tự nhiên lên tỷ lệ sống, sinh trưởng và các chỉ tiêu sinh sản của Artemia franciscana dòng Vĩnh Châu.
Công dụng của bổ sung tảo làm thức ăn cho Artemia
Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm được bố trí với 5 nghiệm thức.
Nghiệm thức 1 (NT1): sử dụng 100% thức ăn là tảo tự nhiên
Nghiệm thức 2 (NT2): tảo tự nhiên + 10% thức ăn chế biến
Nghiệm thức 3 (NT3): tảo tự nhiên + 20% thức ăn chế biến
Nghiệm thức 4 (NT4): tảo tự nhiên + 30% thức ăn chế biến
Nghiệm thức 5 (NT5): tảo tự nhiên + 40% thức ăn chế biến
Lượng tảo tự nhiên được cung cấp làm thức ăn cho Artemia mỗi ngày với mật độ tảo được duy trì 2*106 tế bào (tb)/mL. Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm với mật độ bố trí là 100 con/lít, sử dụng nước biển có độ mặn 80‰.
Kết quả: Sau 14 ngày nuôi thí nghiệm, tỷ lệ sống ở tất cả các nghiệm thức đều đạt trên 81.5%, trong đó NT2 (tảo tự nhiên + 10% thức ăn chế biến) có tỷ lệ sống cao nhất 100%. NT5 (tảo tự nhiên + 40% thức ăn chế biến) artemia có tốc độ tăng trưởng và các chỉ tiêu sinh sản đạt cao nhất.
Artemia Vĩnh Châu là một loài thủy sản đặc biệt có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Để phát huy giá trị cho sản phẩm Artemia bà con nên bổ sung tảo tự nhiên kết hợp 40% thức ăn chế biến nhằm gia tăng tốc độ tăng trưởng và đạt giá trị sinh sản cao nhất. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nuôi sinh khối và thu trứng bào xác Artemia dùng trong ương nuôi ấu trùng tôm cá.
Theo kết quả nghiên cứu của Trần Hữu Lễ, Nguyễn Văn Hòa, Phạm Thị Ngọc Huyền đăng trên Tạp chí: Khoa học và công nghệ Nông nghiệp. Volume 2 (2018) Trang: 705-714.