"Đời" tôm, phận người
Vùng cát ven biển Ngũ Điền (huyện Phong Điền) kéo dài tiếp giáp huyện Quảng Điền bạt ngàn những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Gần 20 năm, khi những hồ tôm đầu tiên mọc lên, theo năm tháng, phận người nuôi tôm cứ dập dìu.
Gặp lại Tường sau hơn 5 năm “đoạn tuyệt” với tôm thẻ chân trắng. Hàng quán ven đường tự mở không đủ nuôi sống vợ con, anh đành vào Đà Nẵng kiếm việc, vài tháng lại quay về cho đỡ nhớ vùng đất đầy nắng gió. Ngoài 30, lúc trắng tay, anh bảo, không nghề gì khắc nghiệt hơn nuôi tôm
Lục lại ký ức với Tường khi tôi còn là sinh viên. Hồi ấy, cứ độ dăm bữa nửa tháng Tường lại rủ rê về trại tôm anh tham quan. Bây giờ, ngẫm mới lạ, lúc Tường còn tuổi quá trẻ, gia đình anh lại “đánh liều” dồn hết tiền của vào tay anh để đào hồ nuôi tôm với giá mấy trăm triệu đồng. Trưởng thành hơn, Tường nêu lý do: “Hồi ấy, do không học hành đến nơi đến chốn, ba mẹ mắc bệnh mất sức lao động nên để tui có công việc ổn định, gia đình đổ tiền đầu tư nuôi tôm. Kinh nghiệm nuôi không có, vừa nuôi vừa học hỏi kỹ thuật nên khó tránh khỏi thất bại. Gia đình cũng cạn kiệt không có tiền tái đầu tư nên buông tay”.
Vậy mà nói về con tôm, Tường vẫn say sưa, chừng như chẳng đoái hoài gì về những lần thất bại. “Với vật giá bây giờ, muốn đào một hồ nuôi tôm khoảng 3.000m2 phải mất khoảng 600 triệu đồng kể cả tiền giống, thức ăn và chi phí trong một vụ nuôi. Nuôi tôm to đến cỡ đầu điếu thuốc lá thì lúc đó 80% người nuôi sẽ có lãi, đồng thời cần tìm hiểu thị trường để biết lúc mô được giá mới bán". Tường phân bua: “Sau khi nuôi tôm thất bại, tui đi làm thuê ở các công ty nuôi tôm và có đi nuôi thuê cho các chủ hồ mới nắm được như rứa, trước đây thì không hiểu rõ”.
Ở vùng cát ven biển, người thất bại như Tường không ít, nhiều người cũng ngậm ngùi. Phan Văn Thoại (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) dẫu có nghề nghiệp ổn định nơi xứ người cũng đánh liều về quê, cùng người thân đào hồ nuôi tôm với khát vọng đổi thay. Và cuộc đời anh cũng đã đổi thay thực khi những vụ tôm đầu tiên, anh cùng gia đình lãi tiền tỷ. Đó là con số mà suốt đời làm thợ giày da anh khó với tới. Vùng cát mà những hồ tôm gia đình anh đứng chân như biết “đẻ” ra vàng. Nhưng rồi, vẫn quy trình nuôi trồng ấy, nhiều vụ nuôi sau mất trắng, hồ tôm đành phơi nắng, lòng người thì cứ lo toan theo tháng ngày. “Nuôi tôm khó nói trước. Vẫn quy trình ấy, nhưng người này lại trúng đậm, người khác lại lỗ. Có thể cùng quy trình nhưng những hộ bị lỗ đã làm sai công đoạn nào đó. Theo đuôi con tôm, có nhiều gia đình phải đổ nợ, cầm cố nhà cửa. Thất bại với tôm thẻ chân trắng, may mắn tui có nghề nghiệp ngày trước để mưu sinh”, Thoại nói.
Những hộ nuôi nhỏ lẻ chưa tuân thủ quy hoạch, các quy định, quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp dẫn đến thất bại. Tại huyện Phong Điền, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đang là một trong những đơn vị hướng đến kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững, quản lý được các thông số kỹ thuật cũng như quy trình nuôi. Mô hình này có tính ưu việt khá cao nhưng tiếc rằng cần có sự đầu tư lớn nên những hồ nuôi tôm tư nhân, nhỏ lẻ vẫn chưa thể tiếp cận.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thừa nhận, nuôi tôm công nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bởi con tôm cực kỳ nhạy cảm thời tiết, phụ thuộc vào môi trường nuôi, trong khi đó nguồn lực cũng như kỹ thuật nuôi của người dân hiện chưa thể tiếp cận với hướng nuôi công nghệ cao. Người dân cần thay đổi tư duy, tiếp cận với những kỹ thuật nuôi hiện đại mới có thể từng bước hướng đến nuôi tôm bền vững.
Cầm chắc kỹ thuật để nuôi tôm...
Dẫu nhiều giấc mơ đổi đời không thành, nhưng phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn đang phát triển rầm rộ. Có một điều không thể phủ nhận, nuôi tôm thẻ chân trắng đang góp phần giải quyết một lượng lao động khá lớn ở các vùng quê ven biển. Từ những người làm thuê cho các chủ hồ, họ can đảm đầu tư hồ tôm riêng, và thành công! Lê Viết Sáng (xã Điền Hòa) nói với tôi, nghề nuôi tôm với nhiều người là một "canh bạc", nhưng với anh nó không chơi vơi. Trước khi quyết định đào hồ thả tôm, anh bươn chải khắp các nơi chỉ để làm công việc vệ sinh, nuôi tôm thuê cho các chủ hồ, tích cóp dần đủ vốn lẫn kinh nghiệm anh mới đầu tư. Một thời, khi màu nước biển trở nên “bạc”, nhiều vùng tôm “đắp chiếu”, hồ tôm của anh vẫn cứ thu lãi đều. “Người nuôi phải nắm kỹ được những quy trình, đặc biệt là khâu chọn giống, xử lý nước… Nguồn nước biển dùng để nuôi tôm thẻ chân trắng rất quan trọng. Người có vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải sẽ hạn chế được dịch bệnh, nếu đầu tư nhỏ lẻ thì cần kỹ càng trong khâu đưa nước biển vào hồ. Sau mấy năm đi làm thuê cho chủ hồ, tui mới dám tự đào riêng, đầu tư để nuôi”, anh Sáng chia sẻ. “Vậy đâu là bí quyết để nuôi tôm thành công, tại sao lại có người lỗ phải phơi hồ dù họ cho rằng mình làm đúng quy trình?”- Anh Sáng thở dài nhìn về phía xa: “Vụ này nhiều người trúng đậm, lãi trên dưới cả tỷ đồng nhưng hồ tôm tui vừa bị sự cố, phải đợi vụ sau mới thả nuôi lại. Người nuôi tôm chẳng ai dám khẳng định bí quyết, nhưng phải nuôi đúng quy trình và có sự đầu tư”.
Sau Tết Nguyên đán, nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Phong Điền đạt năng suất cao. Nhiều hộ thu lãi trên cả tỷ đồng như, ông Văn Công Phú (xã Điền Hòa), Nguyễn Cát, Võ Kháng (xã Phong Hải)…
Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, qua khảo sát của cán bộ địa phương, năng suất và chất lượng vụ tôm này khá tốt. Tôm cũng được giá hơn so với những thời điểm khác. Hiện, diện tích nuôi tôm toàn xã Phong Hải hơn 60ha, tăng 30% diện tích nuôi so với năm ngoái. Vụ này, môi trường nước ổn định nên tôm ít xảy ra dịch bệnh, đa số người nuôi có lãi. Chủ trương của địa phương là tiếp tục mở rộng diện tích, tạo chính sách vay vốn cho người dân.
Việc được mùa không chỉ mang lại niềm vui cho các chủ hồ, mà thu nhập của những người nuôi tôm thuê tăng lên đáng kể. Hồ Văn Lưỡng, từng là một ngư dân trẻ, nhưng vì lý do sức khỏe, anh buông mái chèo mưu sinh bằng việc nuôi tôm thuê cho các chủ hồ. Gần 6 tháng “đứng” hồ, Lưỡng tỏ ra khá am tường quy trình nuôi. Lưỡng bảo, kỹ thuật nuôi tôm ở hầu hết các hồ nuôi đều như nhau. Sau khi môi trường biển bị ảnh hưởng, người nuôi cẩn trọng hơn trong việc xử lý nguồn nước. Thông thường nuôi tôm vụ đông được mùa, được giá, song không phải ai cũng "trúng".
Với nhiều người, con tôm vẫn là nguồn sống, là cả cuộc đời, dẫu cho không ít trong số đó lâm vào cảnh nợ nần, hồ tôm “đắp chiếu” nhưng vẫn còn đó giấc mơ đổi đời...
“Hiện nay, công nghệ nuôi tôm nhà bạt đang được áp dụng ở các tỉnh, thành trên cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần CP Việt Nam là đơn vị có sự đầu tư mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Đầu tư theo hướng này cần có nguồn lực. Chúng tôi đã tham khảo ở các tỉnh, thành và đang vận động người dân tham gia mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ nhà bạt với chi phí đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng/ha. UBND tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ sau đầu tư với những diện tích từ 2.000m2 trở lên. Người nuôi cần chú trọng đến hệ thống xử lý nước thải và nâng cao kỹ thuật nuôi trồng”, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin.