Hoạt động nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 chịu ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung và một số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã làm chậm tiến độ thả giống nuôi trồng của người dân, làm giảm sản lượng khai thác, nuôi trồng, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu. Nhiều nhà máy đã phải hoạt động cầm chừng hoặc phải nhập khẩu tôm nguyên liệu để sản xuất đáp ứng yêu cầu đơn hàng.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/2016. Cụ thể: Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; rà soát các quy định trong Thông tư 48 của Bộ NN&PTNT về kiểm tra vệ sinh xuất khẩu; rà soát, sửa đổi quy định kiểm tra nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu như vấn đề công bố hợp quy, dán nhãn sản phẩm...; đề xuất cần có chính sách đánh giá xếp hạng doanh nghiệp nhập khẩu được xét ưu tiên miễn kiểm dịch.
Đặc biệt, cần đánh giá tổng thể ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long để có những giải pháp phù hợp dựa trên 3 yếu tố là thời vụ thả nuôi, sản xuất giống và sản xuất thức ăn, nhằm giảm tránh tình trạng thiếu thừa, tăng cao giá nguyên liệu, sản lượng - chất lượng thu hoạch. Có chương trình cụ thể về chiến lược, quy hoạch sản xuất giống thủy sản vì đây là yếu tố then chốt quyết định đến sự thành công, phát triển bền vững của ngành. Đồng thời, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ nông dân nông thôn tiếp cận khoa học công nghệ, vốn để phát triển mô hình nuôi tiên tiến, bền vững đơn cử như phát triển “tôm sạch”; tiếp tục rà soát và có biện pháp xử lý tình hình sử dụng tạp chất, chất kháng sinh trong thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu...