Yêu cầu của thị trường ngày càng cao
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu được ký kết vào ngày 29/5/2015. Bên cạnh đó, FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp hoàn tất sẽ mở ra nhiều cơ hội cho XK tôm Việt Nam.
Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan dần được loại bỏ, các thị trường tiêu thụ tôm được coi là khó tính và có giá trị cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... ngày càng đặt ra các quy định ngặt nghèo. Cùng với tiêu chuẩn về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá là yêu cầu mà các thị trường này đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt qua. Ngoài ra, các thị trường này còn đòi hỏi các yêu cầu về an sinh xã hội, điều kiện sản xuất cực kỳ khó khăn.
Người tiêu dùng tại các thị trường khó tính này sẵn sàng trả giá cao hơn một chút cho những sản phẩm thủy sản có chất lượng tốt nhưng họ đặc biệt quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó các quốc gia này luôn là một trong những quốc gia có những quy định rất khắt khe về chất lượng sản phẩm. Cụ thể nhất là danh mục các hóa chất và kháng sinh bị cấm, hạn chế sử dụng thường xuyên được bổ sung, mức phát hiện dư lượng liên tục bị hạ thấp. Đó là một loại rào cản kỹ thuật buộc các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải liên tục khắc phục.
Trong các thị trường này, Nhật Bản được coi là một thị trường khó tính nhất thế giới, hàng rào hải quan cũng rất khắt khe, hàng hóa muốn được nhập khẩu vào Nhật Bản phải đạt chất lượng khá cao, đặc biệt về hàng thực phẩm cần có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả khảo sát thị trường Nhật Bản của Tổ chức Greenpeace cho thấy, người Nhật có những đặc đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhạy cảm với những thay đổi theo mùa, ưa chuộng sự đa dạng của sản phẩm, quan tâm nhiều tới vấn đề sinh thái.
Ngành tôm còn nhiều khó khăn
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cho biết, tuy các sản phẩm tôm chế biến sâu, làm sẵn có giá trị gia tăng tương đối cao chiếm khoảng 65% cơ cấu sản phẩm tôm nhưng chi phí chế biến cao tương ứng nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng để sản xuất các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, công nghệ, lao động, thông tin và khách hàng.
Tại Cà Mau, địa phương có 32 công ty và gần 38 xí nghiệp trực thuộc với tổng công suất thiết kế trên 190.000 tấn/năm - các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến cũng được đánh giá là hiện đại và ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ có trên 40% sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đạt giá trị gia tăng, còn lại chủ yếu xuất khẩu hàng thô, hàng sơ chế. Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP) nhận định, hầu hết các nhà máy, công ty trên địa bàn đều bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và được các tổ chức quốc tế chứng nhận. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong các mặt hàng tôm trên địa bàn vẫn chưa cao.
Thời gian qua, thị trường xuất khẩu của chúng ta luôn phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật, bị cảnh báo ngừng xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng không hẳn là các nước nhập khẩu tôm “làm khó” mà do các doanh nghiệp tôm Việt Nam không cung ứng những sản phẩm đạt mức dư lượng hóa chất, kháng sinh theo yêu cầu của các thị trường này. Bởi nhiều thị trường như Nhật Bản không hề sản xuất tôm, trong khi họ còn muốn có tôm Việt Nam để bán. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam bị các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản cảnh báo chất cấm và trả về 36 lô tôm, bằng gần 40% con số của cả năm 2014 (92 lô).
Trong hoạt động nuôi tôm, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dư lượng hóa chất, kháng sinh chưa được kiểm soát tốt khiến cho người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sản phẩm nên họ đòi hỏi phải biết nguồn gốc thực phẩm mình sẽ sử dụng được sản xuất từ đâu, qua các quy trình công nghệ thế nào. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống theo dõi, giám sát và có khả năng truy xuất nguồn gốc quá trình nuôi, chế biến đến tiêu thụ tôm tại Việt Nam còn rất hạn chế. Mặt khác, hiện nay, đa số sản phẩm tôm Việt Nam chưa truy xuất được nguồn gốc dẫn đến việc các nước phải kiểm tra chất lượng hàng Việt Nam mang tính xác xuất và một khi lô tôm nào đó có vấn đề về chất lượng thì hàng loạt sản phẩm bị kiểm định xác suất cũng đều có kết quả tương tự.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, đặc biệt là những tháng đầu năm 2015, tôm Việt Nam bị áp lực cạnh tranh lớn do giá thành cao dẫn đến giá xuất khẩu cao hơn đáng kể so với các nước như Ấn Độ, Indonesia. Theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới, năm 2014, giá trung bình tôm Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ là 13 USD/kg và nhanh chóng giảm xuống còn 11 USD/kg trong 2 tháng đầu năm 2015. Giá tôm Indonesia trên thị trường Mỹ cũng đạt 11 USD/kg trong tháng 2/2015. Trong khi, tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn duy trì mức giá 13 USD/kg trong 2 tháng đầu năm 2015.
Chinh phục thị trường thị trường
Ðể sản phẩm tôm Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính và giá trị cao, ngành Nông nghiệp đã xây dựng lộ trình phát triển diện tích tôm nuôi công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, tôm sinh thái… Quan trọng hơn cần đẩy mạnh áp dụng các quy trình nuôi và đạt được chứng nhận nuôi thủy sản an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BMP… Chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm thuỷ sản chế biến xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thuỷ sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nồng cốt.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau cho biết, trong thời gian tới, Cà Mau sẽ chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm thuỷ sản chế biến xuất khẩu theo hướng nâng tỷ trọng các sản phẩm tôm giá trị gia tăng lên 70%. Ðồng thời, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến để nâng cao năng suất lao động và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP… tại các nhà máy chế biến thuỷ sản. Mặt khác, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu “tôm Cà Mau” và từng bước phân phối trực tiếp sản phẩm tôm đến các siêu thị tại các thị trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu thị trường EU khoảng 17%, Nhật Bản 20%, Mỹ 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.
Theo ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trong thời đại cạnh tranh khốc liệt ngày nay việc doanh nghiệp phải liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến dây chuyền, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao là yêu cầu cần thiết. Trong đó, việc sản xuất những sản phẩm sạch, không nhiễm hóa chất, kháng sinh theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học được xem là bước đột phá để đưa giá trị sản phẩm tôm tăng cao và xâm nhập sâu vào những thị trường lớn.
Ngoài ra, theo VASEP, giảm giá thành nuôi tôm là tiếp cận quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững, là yếu tố chính để tạo dựng và duy trì năng lực cạnh tranh cho ngành tôm. Vì vậy, việc xem xét và cải thiện chất lượng con giống, giá thức ăn nuôi tôm, tâm lý và nhận thức của người nuôi, quản lý hệ thống phân phối thuốc và các loại chế phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam là thực sự cần thiết khi mà các nước sản xuất khác đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu thức ăn, con giống.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 300 cơ sở chế biến thủy sản có sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ, các nhà máy chế biến tôm lớn tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Đà Nẵng, Hậu Giang… Sản phẩm chế biến hiện nay chủ yếu là các loại tôm chế biến đông lạnh dưới dạng đông rời hoặc block, sống hoặc chín, tôm nõn hoặc còn vỏ, đóng túi lớn hoặc gói nhỏ, nguyên liệu hoặc làm sẵn ăn liền với hàng trăm kiểm và kích cỡ khác nhau chiếm trên 90% sản lượng tôm.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, do nhu cầu tiêu thụ và giả tôm thế giới giảm mạnh nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm. Lũy kế 6 tháng đầu năm sản lượng tôm nước lợ chế biến ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu tôm chủ yếu hiện nay bao gồm Mỹ chiếm 20,6%, EU 18,4%, Nhật Bản 18,4%, Trung Quốc và Hồng Kông là 13,3%, Hàn Quốc là 8,7% và các thị trường khác 20,6%./.