Vận chuyển cá tra nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy chế biến của Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông.
Khó cho người nuôi lẫn DN
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 5, xuất khẩu thủy sản của thành phố ước thực hiện gần 57.500 tấn, đạt 38,3% kế hoạch năm và tăng gần 3% so với cùng kỳ; với giá trị trên 189 triệu USD, đạt 32,2% kế hoạch năm và tăng 9,37% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Mặc dù sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu thủy sản có tăng so với cùng kỳ song mức tăng không đáng kể và các DN chế biến thủy sản vẫn gặp khó ở đầu vào, lẫn đầu ra.
Theo một số DN thủy sản trên địa bàn, hiện nay, thị trường châu Âu tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng khủng hoảng tiền tệ kéo dài. Trong khi đó, thị trường Mỹ được các DN đánh giá là tăng trưởng tốt. Song nếu so với năm 2011, giá trị xuất khẩu cá tra trung bình năm 2012 tại thị trường này đã giảm từ 3,4 USD/kg xuống 3,1 USD/kg.
Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, cho biết: “Do khủng hoảng nợ công ở châu Âu, đồng euro sụt giảm so với USD nên tình hình xuất khẩu của các DN thủy sản cũng ảnh hưởng không nhỏ. Các đối tác giảm lượng đặt hàng, các hợp đồng cung ứng sản phẩm bị phân tán nhỏ lẻ”. Song song với khó khăn ở đầu ra thì tình hình cung ứng nguyên liệu cá tra cho chế biến liên tục biến động.
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, cho biết: “Có thời điểm nguyên liệu cá tra thiếu hụt đẩy giá cá tăng lên đến 29.000 đồng/kg khiến DN hết sức khó khăn. Nhưng cũng có thời điểm giá cá giảm xuống chỉ còn từ 20.000 - 22.500 đồng/kg khiến người nuôi thua lỗ. Mà một khi người nuôi thua lỗ thì khả năng tái đầu tư rất hạn chế, người nuôi thu hẹp diện tích kéo theo nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến”.
Hiện nay, việc tiếp cận vốn của DN chế biến cá tra lẫn người nuôi thương phẩm vẫn tiếp tục gặp khó khi ngân hàng giảm hạn mức tín dụng với DN thủy sản. Người nuôi cá không thể vay vốn với hình thức tín chấp mà phải có tài sản thế chấp. Theo các chuyên gia, thời gian qua, một số DN thủy sản làm ăn kém hiệu quả, vay vốn đầu tư ngoài ngành khiến các ngân hàng giảm hạn mức tín dụng đối với ngành chế biến, xuất khẩu cá tra. Còn về phía người nuôi, nhu cầu vốn đầu tư cao (ước tính để đầu tư nuôi 1 ha cá tra cần vốn từ 6 - 8 tỉ đồng) nhưng muốn tiếp cận vốn phải có tài sản thế chấp, cộng với lãi suất ngân hàng ở mức cao khiến người nuôi ngán ngại đầu tư. Ngay cả khi ngân hàng hạ trần lãi suất cho vay xuống 15%/năm, người nuôi vẫn khó tiếp cận vốn do không còn tài sản để thế chấp.
Bàn giải pháp gỡ khó
Trên thị trường thế giới, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có vị thế nhất định. Nhưng việc mất cân đối cung cầu nguyên liệu vẫn thường xuyên diễn ra làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị ngành hàng này. Theo các DN chế biến thủy sản, trong điều kiện khó khăn hiện nay, DN nào có sẵn vùng nguyên liệu sẽ giảm bớt áp lực so với các DN khác. Nguyên nhân là do DN có thể tiết giảm giá thành sản xuất, chủ động trong ký kết hợp đồng mà không bị ảnh hưởng bởi những biến động của giá nguyên liệu trên thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang Seafoods, hiện nay, công ty đã đầu tư vùng nuôi với diện tích 85 ha, cung cấp 50% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng vùng nuôi để đảm bảo cung ứng 60% - 70% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm sẽ tạo điều kiện cho DN thuận lợi tiếp cận vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu.
Việc DN chủ động đầu tư vùng nguyên liệu được xem là giải pháp khả thi trong điều kiện giá cá nguyên liệu liên tục biến động. Song, khi DN chủ động vùng nguyên liệu thì người nuôi cá sẽ bị “bỏ rơi” trong chuỗi ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL. Ngoài ra, việc đầu tư vùng nguyên liệu khép kín không phải DN nào cũng thực hiện được vì đòi hỏi phải huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn. Thực tế cho thấy, việc xây dựng vùng nguyên liệu chỉ giúp DN tháo gỡ phần nào khó khăn, chủ động trong ký kết hợp đồng. Phần còn lại, DN vẫn phải liên kết với người nuôi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: “Hiện nay, Công ty Cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) liên kết với HTX để cung ứng thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn quy trình nuôi và bao tiêu sản phẩm. Với hình thức nuôi gia công cho Công ty Hùng Vương, HTX Thới An không lo về đầu ra lẫn chi phí đầu tư sản xuất”.
Mới đây, trong chuyến khảo sát và nắm tình hình hoạt động của một số DN chế biến thủy sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn đã yêu cầu các sở, ngành hữu quan ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các DN thủy sản để bàn giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố sẽ tiến hành làm việc với Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ và các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho các DN và hộ nuôi thuận lợi tiếp cận vốn để đầu tư cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực này của thành phố.