Thành phố Cần Thơ có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển thuỷ sản nước ngọt nói chung, nuôi tôm càng xanh nói riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích nuôi tôm càng xanh giảm mạnh do giống tôm càng xanh được người dân nuôi trên ruộng lúa bị thoái hóa, chất lượng kém, nguồn nước bị ô nhiễm, lại thâm canh liên tục nên lợi nhuận không cao.
Trước tình hình đó, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư thành phố đã xây dựng mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh – lúa với quy mô 20 ha do 10 hộ tham gia thực hiện, trong đó huyện Vĩnh Thạnh (07 ha), huyện Cờ Đỏ (13 ha) nhằm giúp người dân hiểu về quy trình kỹ thuật luân canh.
Các hộ tham gia mô hình cam kết thực hiện theo yêu cầu kỹ thuật về mật độ thả tôm: 7 con/m2, chủng loại: tôm càng xanh toàn đực, kích cỡ thả: PL15; giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia cấp hỗ trợ: 50% chi phí con giống tôm càng xanh toàn đực, 30% chi phí thức ăn, vôi sử dụng; 100% chi phí giống lúa, 30% chi phí phân bón.
Bên cạnh đó, các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật nuôi. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc mô hình từ khi bắt đầu vụ nuôi tôm cho đến khi kết thúc vụ lúa. Đến nay, các hộ tham gia mô hình đã nhận xong con giống tôm càng xanh toàn đực, con giống được sản xuất tại Trung tâm Giống thủy sản An Giang, đơn vị duy nhất trong vùng sản xuất được con giống tôm càng xanh toàn đực.
Ông Nguyễn Lê Chủng, một trong các hộ tham gia mô hình tại huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Trước đây việc mua con giống chất lượng còn nhiều khó khăn (phải hợp đồng trước khoảng 1 - 3 tháng mới có thể có giống), chi phí con giống còn cao, con giống trên thị trường ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Nay được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cần Thơ, chính quyền địa phương, đồng thời cán bộ chỉ đạo mô hình thường xuyên đôn đốc và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân tại địa phương. Bản thân tôi được tham gia mô hình nên có con giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt, có kiểm dịch động vật thuỷ sản. Trong quá trình nuôi được phòng bệnh tốt nên chưa xuất hiện bệnh. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tôi rất phấn khởi và tiếp tục thực hiện, phối hợp với ngành chức năng để đạt được hiệu quả cao nhất”.
Ông Kim Văn Tiêu, phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia trong một chuyến công tác đến thăm mô hình nhận định “Mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh – lúa do địa phương triển khai bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, mô hình được chăm sóc tốt, tôm phát triển đồng đều, khỏe mạnh, có khả năng mang lại lợi nhuận cao cho bà con trong thời gian sắp tới”.