Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, công tác quản lý tại cảng cá này bị thả nổi, gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Do hệ thống dịch vụ hậu cần như cơ sở chế biến, kho lạnh bảo quản thủy sản… tại cảng cá này hầu như không có nên mỗi khi tàu thuyền cập cảng, xe vận chuyển, thu mua sản phẩm phải đến tận cầu cảng rồi sơ chế ngay tại chỗ khiến nước thải chảy lênh láng trên cầu cảng, rất mất vệ sinh. Nhiều ngư dân còn mổ cá ngay trên nền đất, các bộ phận thừa không được thu gom tiêu hủy mà vứt bừa bãi, nước thải đọng thành những vũng đen đặc, chảy tràn lan quanh khu vực cảng cá, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.
Đáng quan ngại, các khu vực gần cảng cá Đề Gi, hầu như tất cả rác sinh hoạt, chất thải từ việc sơ chế, luộc cá đều được người dân xả thẳng xuống biển, khiến các khu vực xung quanh cảng cá chìm ngập trong rác, ruồi nhặng phát sinh, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Ngoài ra, thời gian qua, an ninh trật tự trên bến cảng diễn ra khá lộn xộn, tình trạng tranh bán, tranh mua thủy sản của các thương lái diễn ra khá phổ biến.
Lý giải về những bất cập trong công tác quản lý cảng cá Đề Gi, ông Đinh Thành Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (Phù Cát), cho biết: Trước đây, UBND huyện Phù Cát giao cho xã Cát Khánh thành lập Ban Quản lý cảng cá gồm 9 thành viên. Thời gian đầu, công tác quản lý tại cảng hoạt động hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự và bảo đảm tốt vệ sinh môi trường. Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, hoạt động của tổ quản lý gặp nhiều khó khăn do việc thu phí, lệ phí tại cảng không đảm bảo; lương trả cho cán bộ quản lý quá thấp làm nhiều người chán nản, bỏ việc. Đến nay, Ban quản lý cảng cá đã không còn hoạt động nên tình hình an ninh trật tự trên bến cảng khá lộn xộn.
Cũng theo ông Tiến, do không có người quét dọn, lau rửa hàng ngày, nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại bến cảng ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình này, xã đã kiến nghị UBND huyện Phù Cát giao cảng cá Đề Gi cho ngành nông nghiệp tiếp nhận, quản lý.