Thách thức từ thị trường tăng tốt nhất
Số liệu từ Hiệp hối chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 10, xuất khẩu sang Trung Quốc có mức tăng tốt nhất trong số 6 thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam, đạt 20,4%. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7%.
Xuất khẩu sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm được dự báo vẫn tăng do nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này vẫn cao nhằm phục vụ Tết nguyên đán.
Tuy nhiên, VASEP lưu ý Trung Quốc nói riêng và các nước vừa nuôi tôm vừa nhập khẩu tôm nói chung có xu hướng thắt chặt kiểm tra dịch bệnh trong sản phẩm nhập khẩu để đảm bảo cho sản xuất trong nước.
Ví dụ, trong tháng 9, Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 5 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do lo ngại dịch bệnh có thể lây lan vào nước này. Lệnh cấm này được cho là sẽ kéo giảm nhập khẩu tôm Ecuador của Trung Quốc, từ đó tạo cơ hội cho Việt Nam tăng bán hàng sang thị trường này.
Do vậy, ngành tôm và doanh nghiệp tôm Việt Nam cần nhìn rõ thách thức từ việc Trung Quốc cấm tôm Ecuador.
Cơ hội này không kéo dài mãi vì thời hạn của lệnh cấm còn tùy thuộc vào các yếu tố như chính trị, quan hệ ngoại giao, thương mại giữa 2 nước. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đổ xô xuất khẩu nhiều vào thị trường này, có thể sẽ bị thụ động khi tình huống thay đổi, dẫn đến bị ép giá, hạ giá...
Thứ 2, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước sản xuất tôm khác cũng có thể lâm vào tình huống như Ecuador. Do đó, ngành tôm Việt phải lường trước các khả năng, sẵn sàng trước xu hướng tăng cường kiểm tra dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu tôm như Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc....
Đối với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, từ năm 2014, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản, theo đó Trung Quốc giám sát 4 loại bệnh: đầu vàng đốm trắng, MBV, Taura, IHHNV đối với tôm sú, tôm chân trắng sống.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam cũng cần lường trước về khả năng Trung Quốc sẽ kiểm tra khắt khe hơn về dịch bệnh trong tôm xuất khẩu từ Việt Nam, có thể không chỉ kiểm tra tôm sống và các dạng sản phẩm khác như ướp lạnh, đông lạnh.
Mục tiêu năm 2019 khó đạt?
Mặc dù xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng tốt nhưng nhìn vào số liệu thống kê của VASEP cũng cho thấy, tháng 10, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm 0,8%, ghi nhận tốc độ giảm chậm hơn so với tháng trước. Như vậy, xuất khẩu đã giảm ở hầu hết tháng của năm 2019, duy nhất tăng trong tháng 7.
Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này theo đó đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cả năm 2019 được dự báo đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018. Trong khi năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỷ USD.
Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), thị trường tiêu thụ lớn nhất của tôm Việt tiếp tục giảm 11,6%. Kết quả, xuất khẩu sang thị trường này giảm 19,9% trong 10 tháng đầu năm nay và 580,8 triệu USD. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam thuộc khối EU, bán hàng sang Anh và Hà Lan giảm 2 con số.
Chia sẻ tại một hội thảo thuộc khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2019 vào cuối tháng 8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định EU là thị trường rộng lớn với tôm Việt nhưng chưa mở cửa, nên doanh nghiệp buộc phải thay đổi mình để đáp ứng các tiêu chuẩn như truy xuất nguồn gốc, quy định về mật độ nuôi, cách thu hoạch…
Theo ông Lực, EU có nhu cầu cao về tôm đông rời mà đây vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt. “Doanh nghiệp nên tận dụng thế mạnh là chế biến hàng cao cấp có mức thuế cao như tôm luộc. Với sản phẩm này, đối thủ bị áp thuế cao là 20% trong khi hàng Việt Nam được hưởng thuế GSP là 7%, đồng thời giá thành nhập khẩu có sự chênh lệch lớn”.
Dự báo xuất khẩu sang EU trong những tháng cuối năm chưa thể phục hồi.
Nhu cầu mua tôm Việt của Mỹ tích cực hơn trong bối cảnh tồn kho trong nước và nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc giảm. Hơn nữa, kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong đợt rà soát hành chính lần thứ 13 cũng là động lực để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đẩy mạnh bán hàng sang thị trường này.
Tôm Việt được cho là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hồ Quốc Lực, Mỹ là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là thuận lợi. Bởi, thuế chống bán phá giá vẫn kéo dài và thương chiến diễn biến khó lường khiến hàng Việt Nam bị vạ lây. Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP), yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu cũng đang gây khó cho doanh nghiệp vì việc nuôi tôm biến động thường xuyên.