Những năm gần đây, nhiều ruộng lúa năng suất thấp trên địa bàn huyện Cần Giờ đã được bà con nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện con tôm đang được xem là một trong những sản phẩm chính của ngành nông nghiệp huyện. Ông Lê Văn Đạt ở thị trấn Cần Thạnh cho biết, bình quân 1ha nuôi tôm thu nhập khoảng 550 - 570 triệu đồng, sau trừ chi phí gia đình lãi trên 250 triệu đồng. Do vậy, gia đình ông Đạt đã chuyển toàn bộ gần 1,5ha ruộng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tuy vậy, do việc nuôi tôm diễn ra chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, dẫn tới ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan rộng, tôm chết sớm gây thiệt hại kinh tế lớn cho nông dân. Để triển khai quy hoạch phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng mang tính bền vững, UBND huyện Cần Giờ mới đây đã đề xuất trong giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư các tuyến đê bao nối với các trục đường hiện có, xây dựng cống cấp, thoát nước, nạo vét các tuyến kênh chưa thực hiện.
Trước đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, huyện Cần Giờ cũng đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 1.200ha, hiện người dân đã đào ao trong khu vực quy hoạch 486ha và đưa vào sản xuất hơn 153ha. Theo đánh giá của UBND huyện Cần Giờ, việc triển khai quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng vừa qua tạm thời đáp ứng nhu cầu lấy nước, vận chuyển phục vụ vùng quy hoạch nuôi tôm thẻ và toàn bộ vùng sản xuất của các xã. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các tuyến đường ngang, đào mới các tuyến kênh, xây dựng bờ bao kiểm soát lũ, xây dựng các trạm bơm cấp nước và tiêu nước, trạm điện giai đoạn 2010 - 2015 chưa thực hiện được.
Nguyên nhân do diện tích nuôi thủy sản của người dân nhỏ lẻ, trong quá trình thực hiện các dự án làm ảnh hưởng đến diện tích đất trồng thủy sản của người dân, do đó những hộ bị mất đất không đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, do huyện Cần Giờ chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều của Biển Đông, chênh lệch chân triều và đỉnh triều lớn, các cửa rạch, cửa kênh thường mở rộng ở thượng nguồn, các tuyến kênh, rạch phục vụ lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong khu vực, do đó, UBND huyện đánh giá, việc đầu tư trạm bơm cung cấp nước và tiêu nước là chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hiện nay.