Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, gia đình anh Phương cũng như bao gia đình khác khấp khởi thực hiện và hy vọng con tôm sẽ giúp gia đình thay đổi cuộc sống. Do thấy nuôi tôm quảng canh cải tiến cho lợi nhuận và năng suất cao so với nuôi tôm truyền thống, vậy là anh chọn mô hình này để thực hiện ước mơ đổi đời.
Giai đoạn đầu do chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên hiệu quả đem lại không cao, nhưng anh không hề nản chí mà vẫn tiếp tục duy trì và học hỏi thêm ở bà con đi trước và tích cực tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện, tỉnh tổ chức, nghiêm túc áp dụng vào thực tế.
Trước khi bước vào vụ nuôi tôm, anh cho sên vét, vệ sinh vuông nuôi, tu sửa lại bờ bao, phơi đất đến khi đất nứt chân chim, sau đó bón vôi đá và vôi nông nghiệp. Khi bơm nước vào vuông phải qua lưới lọc và chỉ lấy mực nước ở mức 1,4 m dưới mương và 0,6 m trên trảng.
Sau 3 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng lodine, 3 ngày tiếp theo bón phân gây màu nước bằng DAP thường thì vào lúc 6-8 giờ sáng, 5 ngày sau kiểm tra lại các yếu tố môi trường. Cụ thể, độ mặn 10-20%o, pH 7,5-8,5, độ kềm 80-160 mg/l, độ trong 30-40, màu nước nên nhạt hoặc màu trà (vì anh cấy vi sinh). Khi tất cả các yếu tố môi trường đều thích hợp anh mới tiến hành thả giống.
Với diện tích nuôi 1 ha, anh thả 40.000 con giống, sau 2 tháng tiếp tục thả nối thêm 40.000 con. Sau hơn 5 tháng thu hoạch, năng suất khoảng 800 kg/ha, mang về cho gia đình anh 124.390.000 đồng sau khi đã trừ chi phí./.