Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, theo phản ảnh của ông Lư Văn Ny (ấp Thanh Hải, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, Bạc Liêu), từ tháng 9-2012 ông có sử dụng chế phẩm Enviso để đánh màu nước cho ao tôm, sau đó 10 phút tôm bị chết gây thiệt hại cho ông khoảng 114 triệu đồng.
Vụ việc sau đó mặc dù chưa rõ nguyên nhân vụ tôm chết nhưng chia sẻ khó khăn với người dân, Công ty cổ phần thủy sản Bình Minh đã hỗ trợ ông Ny tổng cộng 20 triệu đồng, đồng thời đã gửi mẫu đến Trường ĐH Cần Thơ để kiểm định.
Theo ông Phú, trước đó Công ty Bình Minh đã gửi ba lô Enviso gồm lô tiêu thụ tại đại lý ở Bạc Liêu, lô mà công ty nhập chung với lô hàng tại đại lý ở Bạc Liêu và lô mới nhập về gần nhất để khoa thử nghiệm.
Ông Phú cũng cho rằng về nguyên tắc thì chế phẩm vi sinh không thể gây chết tôm ngay tức khắc, trường hợp gây chết tôm thì cũng phải trong thời gian 3-5 ngày sau.
Lý giải về vấn đề này, ông Phú nói khi cho vi sinh vào nước thì vi sinh sẽ được sinh sản (chu kỳ sinh sản mỗi ngày một lần), vì thế mật độ vi sinh sẽ tăng theo thời gian và đến mức gây chết tôm thì phải trải qua một thời gian nhất định.
Theo đó, sau khi cho Enviso (dạng hạt nhỏ, được nghiền nhuyễn hòa tan vào nước) với nồng độ 0,002g/lít vào bể tôm và quan sát tôm thí nghiệm trong vòng hai giờ thì tôm không có bất cứ dấu hiệu nào bất thường.
Tương tự, đối với nồng độ gấp ba lần nồng độ ban đầu như trên (tức 0,006g/lít), tôm vẫn không có hiện tượng chết cấp tính và nồng độ gấp 10 lần nồng độ của nhà sản xuất (tức 0,02g/lít) được sử dụng trực tiếp dưới dạng hạt không được nghiền nát thì sau 48 giờ quan sát vẫn không có hiện tượng tôm chết bất thường.
Cả ba hình thức thử nghiệm trên cho thấy tôm vẫn bắt mồi và bơi lội bình thường.