Về tận thôn tiếp nhận hồ sơ
TS Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh (chi cục) - cho biết, xuất phát điểm của cách làm này là do đơn vị làm chức năng quản lý trên địa bàn rộng. Ngoài ra, ngư dân hành nghề khai thác đánh bắt thủy sản bắt buộc phải có rất nhiều loại giấy tờ, thủ tục. “Đối với một tàu có đến 8 loại giấy chứng nhận, nào là chứng nhận đăng ký tàu cá, chứng nhận an toàn kỹ thuật, đăng ký thuyền viên và cấp sổ danh bạ... Mà khi giải quyết thủ tục này, lại liên quan đến thủ tục khác. Do các thủ tục xoay vòng với nhau, hơn nữa có thủ tục như đăng kiểm tàu cá buộc cán bộ chi cục phải về tại chỗ” - ông Bình nói.
Lý do nữa là, hầu hết ngư dân khi mang hồ sơ lên chi cục giải quyết thế nào cũng thiếu, sai một vài loại giấy tờ. “Hàng ngàn thủ tục liên quan đến hàng ngàn ngư dân. Người ở gần thì chẳng nói gì, chứ người ở tận các huyện Phú Lộc, Phong Điền mỗi lần lên đây thiếu giấy tờ chạy lui chạy tới, mất thời gian, tiền bạc dữ
lắm. Từ đó mà chúng tôi có ý tưởng kết hợp tiếp nhận, giải quyết các thủ tục khác cho dân” - ông Bình chia sẻ. Vậy là, vào những ngày trăng tròn, hay biển hèn cá mực, cán bộ của chi cục tỏa về các chi hội nghề cá các thôn, xã vừa hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thủ tục. Sau đó, mang về chi cục giải quyết, hoàn tất lại mang trả cho ngư dân.
Giúp ngư dân vững tin bám biển
Để làm được việc này, chi cục đã chọn 5 người có tâm huyết với công việc, với ngư dân. Họ được chi cục hỗ trợ xăng xe trong thời gian tiếp nhận, hoàn trả hồ sơ cho ngư dân. Ngoài ra, những cán bộ này còn là những người trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giúp chi cục đưa ra những quyết sách tháo gỡ những khó khăn, giúp cho ngư dân vững tin bám biển.
Ban đầu, cách làm này của chi cục bị cơ quan thanh tra tỉnh Thừa Thiên – Huế phàn nàn và yêu cầu phải thực hiện theo nếp cũ là ngư dân phải lên tận nơi, nộp hồ sơ vào tổ một cửa, lấy giấy hẹn chờ 7 ngày sau trở lại. “Cải cách hành chính để làm gì? Là để phục vụ người dân, đó là mục tiêu tối thượng của chi cục. Cách của chúng tôi đang làm, lâu nay chẳng có ai phàn nàn, phản ứng cả. Nhưng chúng tôi không cứng nhắc, người dân nào cần gấp giấy tờ, mang hồ sơ đến chi cục vẫn giải quyết qua trưa để họ còn kịp thời gian ra khơi đánh bắt” - ông Bình nói.
Bà Mai Phượng - cán bộ phòng Hành chính tổng hợp của chi cục - cho biết, trong năm 2013, chi cục đã giải quyết 1.550 hồ sơ thủ tục cho ngư dân. Cách làm mới mẻ này ngoài những khoản “tiết kiệm” cho ngư dân như đã nói, thì nó còn đảm bảo nhanh hơn cách làm thông thường từ 1 đến 2 ngày.