Đặc điểm sinh học của loài sứa
Sứa đã xuất hiện từ cách đây khoảng 500 triệu năm. Chúng có thể được coi là một trong những sinh vật lâu đời nhất trên Trái Đất.
Sứa là những sinh vật biển không xương sống độc nhất của ngành Thích ty bào (Cnidaria). Chúng và thủy tức có cấu tạo chung giống nhau , nhưng sứa thích nghi với đời sống di chuyển ở biển. Khi di chuyển, sứa co bóp dù, đẩy nước qua lỗ miệng và tiến về phía ngược lại.
Sứa là một loài không có não, tim và xương. Tua miệng một số loài sứa gây ngứa, có khi gây bỏng da. Thông thường chúng săn con mồi bằng xúc tu.
Sứa có thể thích nghi với môi trường sống từ những vùng nước nông ấm áp đến đáy biển sâu. Do đó, các loài sứa khác nhau có thể được tìm thấy ở mọi đại dương trên thế giới. Không phải tất cả các loài sứa đều gây ra các vết chích đau đớn và có độc gây nguy hiểm.
Top 5 loài sứa độc nhất hành tinh
Nọc sứa hộp được coi là nguy hiểm nhất thế giới. Độc tố của nó tấn công tim, hệ thần kinh và các tế bào da. Khi bị sứa cắn, nạn nhân sẽ đau đớn, chết đuối, bị sốc hoặc chết vì suy tim.
Sứa box (sứa hộp)
Loài sứa này được xếp là loài sứa độc nhất cũng như là một trong số những sinh vật biển nguy hiểm nhất thế giới. Sứa hộp có 24 xúc tu, mỗi xúc tu có thể dài 3 m, mỗi xúc tu chứa hơn 5.000 tế bào đốt. Mỗi xúc tu có độc tố đủ giết chết 60 người.
Loài sứa này được xếp là loài sứa độc nhất
Độc tính của sứa box mạnh tới nỗi chỉ một lượng nhỏ cũng tác động lên tim và hệ thần kinh, có thể khiến tim ngừng đập trong vòng vài phút. Người trúng nọc độc của sứa box nếu không được điều trị khẩn cấp rất khó qua khỏi.
Sứa Lion’s Mane (sứa bờm sư tử)
Đây là loài sứa biển khổng lồ, thường xuất hiện ở Bắc Cực và phía bắc Đại Tây Dương. Sứa bờm sư tử có đường kính khoảng 2,4m, xúc tu của chúng có thể vươn xa hơn 30m.
Loài sứa biển khổng lồ, thường xuất hiện ở Bắc Cực và phía bắc Đại Tây Dương
Bên ngoài trông chúng như một loài sinh vật kỳ quái. Bên trong, loài sứa này chứa nọc độc mạnh tới nỗi có thể khiến nạn nhân bị chuột rút ngay sau khi tiếp xúc.
Sứa Irukandji
Đây là loài sứa có họ hàng với sứa box nhưng kích thước nhỏ hơn, chỉ bằng hạt lạc khoảng 2,5 cm, màu trong suốt. Nọc độc của sứa Irukandji mạnh hơn 100 lần so với nọc độc của rắn hổ mang, nhẹ nhàng tấn công cơ thể mà nạn nhân không hề hay biết.
Các xúc tu lẫn vỏ ngoài của chúng đều có thể chích người. Nạn nhân xuất hiện các triệu chứng nôn, đau đầu, tim đập loạn nhịp và huyết áp tăng cao được gọi là "triệu chứng Irukandji", nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị phù phổi, ngưng tim sau vài giờ.
Portuguese man o’war (sứa kẻ gây chiến)
Đây là một loài sứa ăn thịt, nói đúng hơn chúng là một tập hợp cộng sinh chứa nọc độc vào loại nguy hiểm nhất thế giới. Những xúc tu tỏa sáng đẹp mắt trong đêm nhưng để dụ dỗ và quấn chặt con mồi.
Vết đốt do xúc tu của loài sứa này để lại trên da trông giống như những vết lằn roi. Chúng khiến nạn nhân đau đớn nhiều ngày, gây sốt và choáng, khiến ngưng tim, ngưng phổi dẫn tới tử vong.
Sứa tầm ma biển
Loài sứa có tên Sea Netle còn được gọi là sứa tầm ma biển vì hình dạng cơ thể chúng giống cây tầm ma. Loài sứa này được tìm thấy nhiều ở khu vực Vịnh Chesapeake thuộc bờ viễn Đông Hoa Kỳ.
Loài sứa có tên Sea Netle còn được gọi là sứa tầm ma biển
Mỗi con sứa biển tầm ma có 24 xúc tu, mỗi xúc tu dài trung bình 1,8m. Nọc độc của chúng không đủ mạnh để giết người nhưng vẫn gây đau đớn hết sức khó chịu.
Xử lý khi bị sứa cắn
Khi bị sứa cắn bạn cần làm theo hướng dẫn xử lý khi bị sứa cắn như sau:
- Đưa người bị sứa biển đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa.
- Sử dụng dụng cụ sạch để nhổ các xúc tu bám vào da.
- Hạn chế tối đa việc chạm tay vào vết sứa cắn, tránh tình trạng vết thương bị nhiễm trùng nặng hơn.
- Sử dụng nước biển hoặc giấm để rửa sạch vết sứa cắn.
- Chườm mát các vị trí da bị tổn thương do sứa biển cắn
- Sau khi đã sơ cứu xong, hãy đưa người bệnh tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị phù hợp.