Với chiến lược xây dựng hệ thống khép kín từ sản xuất giống, thức ăn thủy sản, chế biến, kho lạnh, và xuất khẩu; đồng thời với tham vọng vươn tay sang ngành tôm với những bước đi bài bản đầu – cuối y hệt cá tra, Hùng Vương đang được xem là ngôi sao ngành cá VN.
Cuối tháng 12/2012, HVG thông báo sẽ mua 5,63 triệu CP của CTCP thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) nhằm tăng tỉ lệ sở hữu từ 28,54% lên 55,31% ngay trong tháng 1/2013 từ một Cty liên kết là Cty CP nuôi trồng thủy sản Hùng Vương Miền Tây, nhưng không phải thực hiện chào mua công khai. Thương vụ nhanh chóng được thực hiện chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần.
Tiền đâu mua lắm...
Việc thâu tóm và đưa VTF trở thành Cty con với mục đích rất rõ ràng sẽ giúp HVG tiết kiệm được rất lớn chi phí thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, hiện tại, thủy sản VN đang nằm trong top 3 nước đứng đầu về số lượng sản phẩm bị từ chối nhập khẩu tại 3 thị trường lớn nhất thế giới gồm Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, mở rộng ra gần đây là Hàn Quốc, Mexico cũng đã thông báo ngừng nhập khẩu tôm sú và tôm thẻ VN do dư lượng Ethoxyquin, một chất có giá rẻ, tác dụng chống oxy hóa cao nên đã được sử dụng phổ biến trong thức ăn chăn nuôi thủy sản ở VN. Vì vậy, việc mua VTF trở nên quan trọng hơn, có thể giúp HVG tránh thế bị động khi thức ăn chăn nuôi đang ngày càng là khâu quan trọng đối với chất lượng của sản phẩm thủy sản xuất khẩu, cũng như có thể củng cố thêm nền tảng cho tham vọng trở thành một DN cung ứng thức ăn chăn nuôi không chỉ cho cá, thủy sản mà còn cho cả heo, trở thành nhà máy cung ứng thức ăn gia cầm, gia súc, thủy sản hàng đầu VN, như chia sẻ của ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ HVG với các cổ đông trong ĐHĐCĐ 2013.
Trước đó, HVG cũng đã thành công trong việc mua lại Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Việt Đan từ phía CTCP chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp, với giá trị 74 tỉ đồng. Còn sau khi hoàn tất việc thâu tóm VTF, HVG đã mua thêm 5 triệu CP Cty CP thực phẩm Sao Ta (FMC) qua đợt phát hành riêng lẻ của Cty này với giá 10.500 đồng/CP, tương ứng với giá trị 52,5 tỉ đồng. Tỉ lệ sở hữu của HVG tại FMC sau đợt phát hành sẽ là 38,46% trên VĐL mới 130 tỉ đồng. Không chỉ mua bán các DN trên sàn, mới đây, HVG đã góp vốn mua 25% số CP của CTCP chế biến thủy sản xuất khẩu Tác Vân, một DN chuyên về chế biến tôm mực xuất khẩu tại Cà Mau...
Toàn bộ động thái mua bán này của Hùng Vương, dù vậy, có lẽ không còn gây ấn tượng kinh ngạc với các đối thủ cùng ngành như khi trở thành DN đầu tiên trên sàn chứng khoán chào mua công khai – tiến tới chi phối AGF năm 2010, và sau đó, là các DN thủy sản khác như FBT (2011)...
Tiền đâu để Hùng Vương mua được nhiều DN ròng rã trong nhiều năm như vậy? Câu trả lời vẫn là ẩn số. Song, nếu theo dõi lộ trình phát triển của HVG, từ mức vốn điều lệ ban đầu chỉ 32 tỉ đồng vào năm 2003, tăng lên 792 tỉ đồng trong năm 2012, tức đã tăng hơn 25 lần chỉ trong vòng 9 năm, sẽ thấy tiềm lực hùng hậu và bước đi vững chắc của HVG. Hơn thế, đối với một DN đang trong vòng cuốn chuyên nghiệp của các thương vụ M&A, đôi khi, họ sẽ hiểu rất rõ các chỉ số tài chính và tiền mặt không phải là những yếu tố quyết định cho tất cả. “Sẽ là sai lầm nếu các Cty chỉ xem xét các con số tài chính. Điều quan trọng họ phải xem xét là liệu các quy trình kinh doanh, văn hóa, con người ở Cty mục tiêu có phù hợp với Cty của họ hay không” - ông Jim McColl, Sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Quỹ Đầu tư Clyde Blowers chuyên mua bán sáp nhập Cty, khẳng định.
Sự hoàn thiện chuỗi kinh doanh khép kính bằng chiến lược M&A của HVG, vì thế, đang vượt qua các giá trị “tiền thật” và có thể định giá giá trị thương vụ theo phương pháp đơn thuần, để thuyết phục thị trường về một HVG với nguồn vốn vô hình khổng lồ trong dài hạn.
Cái giá phải trả
Để có được chuỗi kinh doanh trong một ngành lắm công đoạn như thủy sản, HVG đã phải những cái trả giá không nhỏ. Cái giá này không chỉ là tiền bạc mà còn là công sức xây dựng một tầm nhìn, kế hoạch, sự tận dụng quan hệ và chi phí cơ hội. Cái giá phải trả có thể nhìn thấy được, trước mắt, vẫn thể hiện trong kết quả kinh doanh. Năm 2010, lần đầu hợp nhất AGF, Hùng Vương có doanh thu tăng mạnh tới 44%. Tuy nhiên, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng cũng tăng lên lần lượt 157% và 75%, nên lợi nhuận giảm mạnh tới 32%. Theo đó, lợi nhuận của HVG liên tục không ổn định. Năm 2011, lợi nhuận của HVG khả quan vượt 8% kế hoạch do giá cá tra xuất khẩu tăng và ghi nhận lợi nhuận tăng từ các Cty liên kết. Sang năm 2012, lợi nhuận hợp nhất của HVG lại giảm 32% so với cùng kỳ. Quý I/2013, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Cty mẹ tiếp tục giảm 13% so với cùng kỳ. Theo giải trình của HVG, nguyên nhân là do trong quý I cơ cấu sở hữu của HVG có nhiều thay đổỉ. HVG đã mua thêm CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng; Bán Công ty TNHH Hùng Vương Long (trước khi bán sở hữu 90% và sau khi bán sở hữu 31,67%); Bán Cty TNHH Hùng Vương Sa Đéc (sau khi bán tỉ lệ sở hữu giảm xuống còn 11,6%). Sự thay đổi cơ cấu làm cho phần lợi ích của cổ đông thiểu số tăng thêm, phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông Cty mẹ giảm.
Rõ ràng, trước khi đi vào vận hành ổn định chuỗi kinh doanh khép kín của mình, HVG vẫn phải mất không ít thời gian để sắp xếp, cấu trúc lại hoạt động trong toàn bộ hệ thống, giảm tỉ lệ sở hữu hoặc bán đi những DN sẽ “văng” ra ngoài chuỗi khép kín, hoặc có vai trò không quá quan trọng để lấy vốn - lực đầu tư, trang trải tiếp theo cho những DN trọng điểm theo quy mô tập đoàn.
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn...
Một điểm quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư đánh giá cao Hùng Vương, đó là tuy hoạt động M&A để mở rộng tích hợp theo chuỗi chiều sâu hay theo diện rộng mà nhiều DN đang lựa chọn không còn mới, nhưng HVG đã nhanh chân nhanh tay và có tầm nhìn xa hơn, sớm hơn nhiều.
Năm 2010 đến nay được biết là giai đoạn chệch choạc của ngành thủy sản VN. Điển hình là sự xuống dốc của tên tuổi lớn như Bianfish do đầu tư dàn trải và thiếu định hướng. Đi ngược lại với xu hướng chung, đồng tiền của HVG đã len lỏi vào trong tất cả các ngành mang tính “phụ trợ”, để sớm xâu chuỗi các DN hỗ trợ cho năng lực lõi của HVG: Khó khăn thức ăn chăn nuôi, HVG mua lại DN chăn nuôi. Khó khăn về giống, lập Viện giống. Khó khăn về gia công, kho lạnh, có thể outsourcing các DN trong chuỗi liên kết hoặc ngoài chuỗi như Bianfshico hay AGF, FBT.
Bị áp mức thuế chống bán phá giá lên tới 0,77 USD/kg theo phán quyết mới của DOC tại thị trường Mỹ, HVG có thể “lách” để tránh không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Cty, qua cửa xuất khẩu vào thị trường này từ Cty con AGF – vốn chỉ bị áp mức thuế chống phá giá là 0,02 USD/kg. Ngoài ra, muốn làm tôm, ngoài trại giống, ngoài đầm tôm, lại cũng phải có “Chân rết” là FMC – 1 trong 4 DN hàng đầu về chế biến và xuất khẩu tôm tại VN... Cứ thế, vòng quay trong chuỗi liên hoàn của HVG tuy có thể chưa lập tức tạo ra đồng tiền mạnh và đưa HVG lên ngay hàng DN có doanh thu tỉ USD, nhưng mọi nền tảng cho tham vọng đều đã sẵn sàng.
Năm 2013, HVG đặt “mốc” doanh số 12.000 tỉ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, HVG xây dựng tiêu chí ở các lĩnh vực chính bao gồm thức ăn thủy sản, nuôi trồng, và chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Cụ thể, lĩnh vực chế biến thức ăn thủy sản năm 2013, sản lượng dự kiến là 600.000 tấn, chiếm 30% sản lượng thức ăn thủy sản tại ĐBSCL, đạt doanh số tiêu thụ 6.000 tỉ. Thủy sản nuôi trồng dự kiến đạt 200.000 tấn, chiếm 20% tổng sản lượng thủy sản ĐBSCL. Kim ngạch thị trường xuất khẩu đạt mục tiêu 300 triệu USD (nguồn: Báo cáo thường niên 2012).
Theo đánh giá của Cty CK Phú Hưng, dự báo năm 2013, thị trường xuất khẩu thủy sản tiếp tục gia tăng thử thách. Các rào cản thương mại từ các thị trường chính sẽ luôn hiện hữu. Các nhà xuất khẩu cần có tầm nhìn xa để vượt qua các rào cản thương mại xuất phát từ xu hướng bảo hộ ngành thủy sản nội địa ngày càng tăng ở các thị trường mục tiêu. “Chúng tôi không kỳ vọng ngành sẽ lập lại mức tăng trưởng cao như các năm lịch sử. Mặc dù các nhà xuất khẩu vẫn đang tìm kiếm mở rộng các thị trường mới, nhưng tỉ trọng đóng góp từ các thị trường này vẫn chưa đáng kể. Với khả năng tăng trưởng giới hạn tại các thị trường chính bao gồm EU, Mỹ và Nhật Bản, số lượng DN trong ngành có thể tiếp tục thu hẹp, đặc biệt là các Cty quy mô nhỏ không đủ nguồn lực tài chính và thị phần thấp”.
Theo đó, cơ hội để tỏa sáng dài lâu cho những Cty đã sớm chọn xu hướng mở rộng trong chuỗi giá trị ngành, không chỉ tập trung vào khâu chế biến và xuất khẩu mà còn phát triển sang hoạt động nuôi trồng, cung ứng thức ăn thủy sản và con giống; đồng thời có cơ cấu thị trường đa dạng - một sự dịch chuyển giúp DN hạn chế rủi ro tập trung từ thị trường chính và duy trì động lực tăng trưởng, và hoạt động đầu tư theo chiều sâu cũng nhằm giúp DN đáp ứng các yêu cầu, chứng chỉ về sản xuất và nuôi trồng của các thị trường xuất khẩu như ASC, Global GAP, BAP và cải thiện khả năng kiểm soát chí phí nguyên liệu nhằm thu được biên lợi nhuận gộp tốt hơn như HVG, sẽ rất lớn.