Thế nhưng, dường như “thước đo” xuất - nhập khẩu hàng NLN&TS đang bị “nhiễu”, cho nên cần được chỉnh sửa.
Những kiểu khác người
Rất có thể do chưa được quan tâm đúng mức đến thước đo nên bức tranh xuất- nhập khẩu NLN&TS của nước ta hiện nay vẫn còn những tồn tại và bất cập chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cho đến nay, giữa cơ quan đầu ngành về thống kê và cơ quan đầu ngành nông nghiệp nước ta không có sự đồng thuận về các số liệu thống kê này.
Cụ thể, tuy vẫn đưa ra các số liệu thống kê hàng năm về xuất khẩu hàng NLN&TS nhưng ở đầu vào nhập khẩu của nền kinh tế lại không có những nhóm hàng tương ứng, cho nên đương nhiên không thể biết được toàn bộ bức tranh.
Theo những công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK), tại thời điểm này, mới chỉ biết được tổng kim ngạch xuất khẩu hàng NLN&TS chính thức năm 2014 là gần 25 tỉ đô la Mỹ, bao gồm 15,2 tỉ đô la Mỹ hàng nông sản, gần 2 tỉ đô la Mỹ hàng lâm sản và 7,8 tỉ đô la Mỹ hàng thủy sản.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng NLN&TS lớn hơn nhiều, tới 30,4 tỉ đô la Mỹ, tức là cao hơn gần 5,4 tỉ đô la Mỹ và 21,6% so với số của TCTK.
Có lẽ sự vênh nhau quá lớn như vậy nằm ở nhóm hàng lâm sản, bởi theo Bộ NN&PTNT thì riêng mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ trong nhóm các mặt hàng lâm sản chính đã đạt gần 6,6 tỉ đô la Mỹ, tức là đã cao hơn tổng kim ngạch xuất khẩu hàng lâm sản mà TCTK công bố tới 4,4 tỉ đô la Mỹ.
Còn về đầu vào, trong khi Bộ NN&PTNT đưa ra con số tổng kim ngạch nhập khẩu NLN&TS trong năm này là 21,8 tỉ đô la Mỹ, cũng như con số kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng chính thì TCTK lại chỉ đưa ra con số tổng kim ngạch nhập khẩu của hai nhóm hàng lương thực và thực phẩm, với mức rất thấp - chỉ gần 5,5 tỉ đô la Mỹ. Chắc chắn còn nhiều mặt hàng NLN&TS đầu vào khác “ẩn” trong nhóm hàng “nguyên, nhiên, vật liệu” và nhóm “hàng khác”.
Thứ hai, tuy các số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy rõ hơn nhiều về những nội dung nhập khẩu, nhưng trong đó vẫn còn một số điều cần lưu ý.
Trước hết, bản thân cơ quan này cũng không nhất quán trong việc xác định những mặt hàng nào là thuộc hàng NLN&TS.
Chẳng hạn, cho tới tháng 2 vừa qua, cơ quan này vẫn liệt kê cao su vào nhóm hàng xuất và nhập khẩu chính, nhưng từ tháng 3 thì lại thêm mặt hàng sản phẩm cao su xuất khẩu vào nhóm hàng này, trong khi các sản phẩm cao su nhập khẩu thì lại không được tính đến, mặc dù giá trị còn cao hơn nhiều so với xuất khẩu (184 triệu đô la Mỹ so với 132 triệu đô la Mỹ).
Việc “cho đội mũ” hàng nông sản theo kiểu tùy hứng như vậy đã dẫn đến việc không ít các mặt hàng có quy mô xuất, nhập khẩu không hề nhỏ không được xếp vào danh mục hàng NLN&TS.
Điển hình nhất có thể kể đến là mặt hàng giấy nhập khẩu với quy mô vượt ngưỡng 1 triệu tấn từ năm 2009 và năm 2016 đã gần chạm ngưỡng 2 triệu tấn, còn giá trị thì vượt ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ từ năm 2011, mặc dù đây đương nhiên cũng là sản phẩm chế biến từ gỗ, tre, nứa... không khác gì các sản phẩm gỗ, hoặc sản phẩm mây, tre, cói, thảm.
Bên cạnh đó, việc không xếp các mặt hàng xuất, nhập khẩu có nguồn gốc thuần túy nông sản có quy mô lớn như nguyên, phụ liệu thuốc lá (mặt hàng nhập khẩu), hay các mặt hàng chế biến sâu hơn như bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc (mặt hàng xuất và nhập khẩu), hoặc thực phẩm chế biến khác (mặt hàng nhập khẩu)... vào danh mục hàng NLN&TS cũng là điều không hợp lý.
Thứ ba, cho dù thuần túy chỉ sử dụng trong khu vực NLN&TS, nhưng việc gán cho hai mặt hàng phân bón và thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuộc nhóm hàng NLN&TS rõ ràng là khiên cưỡng.
Nếu như hai mặt hàng nói trên vẫn được xếp vào các mặt hàng chính nhập khẩu từ lâu nay thì nghe còn có vẻ “xuôi tai” vì lý do là đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Nhưng việc cho nó “đội mũ” hàng nông sản chính xuất khẩu từ tháng 4 năm nay rất có thể sẽ gây ra tình trạng “ngộ nhận” rằng nông dân Việt Nam đã kiêm cả nhà sản xuất và xuất khẩu phân bón ra thị trường thế giới.
Hãy làm theo thông lệ quốc tế
Rõ ràng, với cách định danh hàng NLN&TS như vậy, chúng ta không thể có được bức tranh đầy đủ và thực tế.
Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu, ngay từ vòng đàm phán Urugoay, bộ trưởng thương mại các nước thành viên WTO đã thỏa thuận ký kết hiệp định về nông nghiệp (agreement on agriculture).
Theo đó, thuộc về hàng nông sản bao gồm:
1. 23 nhóm hàng đầu tiên, từ mã 01 đến mã 24 trong danh mục HS hai chữ số, trừ mã 03 (cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủ sinh không xương sống khác);
2. 21 nhóm hàng trong danh mục HS bốn chữ số (gồm các mã: 33.01, từ 35.01 đến 35.05, từ 41.01 đến 41.03, 43.01, từ 50.01 đến 50.03, từ 51.01 đến 51.03, 53.01 và mã 53.02);
3. Bốn mặt hàng trong danh mục HS sáu chữ số (gồm các mã: 2905.43, 2905.44, 3809.10 và 3823.60).
Nhìn một cách tổng quát, các nhóm hàng và vô số các mặt hàng chi tiết được quy định cụ thể nói trên không chỉ bao hàm các sản phẩm thô của sản xuất nông nghiệp, mà còn bao gồm cả các sản phẩm chế biến từ các sản phẩm thô này.
Nếu chiếu theo danh mục trên, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của nước ta năm 2014 lên tới 20,2 tỉ đô la Mỹ, tức là cao hơn tới 5 tỉ đô la Mỹ và hơn 33% so với con số của TCTK nước ta.
Tương tự như vậy, chỉ riêng hàng nông sản nhập khẩu trong năm 2014 đã là 15,4 tỉ đô la Mỹ.
Trong đó, điều đặc biệt đáng chú ý là bên cạnh việc nhập khẩu rất nhiều ba mặt hàng là sữa và sản phẩm sữa; thức ăn gia súc và nguyên liệu; dầu mỡ động thực vật như vẫn được biết qua các số liệu thống kê do Bộ NN&PTNT và TCTK công bố, chúng ta còn nhập khẩu rất nhiều ba nhóm hàng gia súc và gia cầm sống, thịt và phụ phẩm thịt và các sản phẩm động vật khác.
Tóm lại, cần vẽ bức tranh đầy đủ về xuất, nhập khẩu NLN&TS theo đúng thông lệ quốc tế bởi nó rất cần thiết cho việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển không chỉ cho khu vực kinh tế này, mà còn cho cả nền kinh tế nước ta nói chung.