Trung tâm nghiên cứu thủy sản bền vững (CSAR) tại Đại học Swansea đã xác định các gen trong cá rô phi sông Nile có thể giúp cải thiện phúc lợi khi nuôi loài cá này trong điều kiện thâm canh. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evolutionary Applications.
Thử nghiệm sự hung hăng của cá khi nuôi mật độ cao. Nguồn: CSAR
Để đáp ứng nhu cầu protein từ cá trên toàn cầu trong tương lai, sẽ cần nuôi nhiều cá hơn bằng cách sử dụng ít tài nguyên hơn và điều này đòi hỏi phải lựa chọn những loài cá không hung dữ và phát triển tốt khi nuôi với mật độ cao. Tuy nhiên, những thay đổi di truyền để làm mất đi sự hung dữ và thích nghi với sự đông đúc trong quá trình nuôi trồng thủy sản thâm canh vẫn chưa được biết đến.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nuôi trồng thủy sản đã hướng tới việc tăng cường - "sản xuất nhiều cá hơn trong không gian nhỏ hơn, ít nước và thức ăn hơn. Điều này đòi hỏi phải lựa chọn cẩn thận các loài và cá thể sẽ hoạt động tốt trong môi trường đông đúc."
Mật độ nuôi ảnh hưởng đến bản chất và sức mạnh của các tương tác xã hội ở nhiều loài cá (Ashley, 2007 ) và ở cá rô phi, nơi hành vi hung hăng có thể được sử dụng như một yếu tố dự báo căng thẳng (Barreto et al., 2009 ).
Giả thuyết của các nhà nghiên cứu là mật độ nuôi sẽ ảnh hưởng đến sự hiếu chiến - những cá nhân có mức độ gây hấn và căng thẳng khác nhau, sự đối phó sẽ khác nhau trong biểu hiện của các gen quan trọng liên quan đến phản ứng căng thẳng. Từ đó các nhà khoa học đã xác định được hai gen - được gọi là sstl và fosab - có liên quan đến biểu hiện của sự căng thẳng trong môi trường đông đúc. Và có một mối liên hệ tiêu cực giữa biểu hiện các gen này với số vụ tấn công ở mật độ cao, nhưng một mối liên hệ tích cực ở mật độ thấp.
Nghiên cứu của họ cho thấy sự đông đúc ức chế hành vi hung hăng ở cá rô phi sông Nile và dẫn đến sự thay đổi biểu hiện của các gen liên quan đến căng thẳng khi được nuôi ở mật độ cao. Cá được nuôi với mật độ cao thì có màu tối hơn, có bộ não lớn hơn, ít hoạt động hơn và ít hung dữ hơn so với những con được nuôi ở mật độ thấp. Sự sẫm màu cơ thể (nghĩa là độ sáng thấp hơn) có liên quan đáng kể với mật độ cao, cho thấy sự sẫm màu cơ thể là một đại diện tốt cho căng thẳng mãn tính ở cá rô phi Nile.
Điều này cho thấy rằng nuôi trồng thủy sản có thể thay đổi đáng kể mức độ hung hăng và phản ứng căng thẳng của cá rô phi sông Nile thông qua việc chọn lọc giống cá.
"Cá giảm khả năng gây hấn và tăng sự chịu đựng căng thẳng là hai yếu tố giúp nuôi cá thành công. Nghiên cứu này là cơ sở để các nhà sản xuất giống cá có thể chọn lọc cá giống hoạt động tốt trong điều kiện nuôi trồng thủy sản thâm canh với mật độ cao", họ kết luận.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/eva.12830