Cá mú lai mang cả 2 đặc điểm của bố và mẹ nên hiện nay loài này được lựa chọn làm con giống để nuôi thương phẩm nhiều nhất. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra thì liệu cá mú lai có thể lai ngược lại với cá mú nghệ thì có cho hiệu quả con lai vượt trội hơn không.
Câu hỏi này đã được trả lời thông qua kết quả thử nghiệm đầu tiên và cho kết quả tương đối khả thi, đây là điểm sáng cho lĩnh vực sản xuất giống, tạo ra những loài cá mới đáp ứng chất lượng thương mại.
Đây là báo cáo lần lai ngược thành công đầu tiên giữa cá lai cái (cá mú trân châu) (TGGG – con lai tiger grouper x giant grouper) và cá mú nghệ đực (GG - giant grouper) trong điều kiện nuôi nhốt. Cụ thể, cá bố mẹ được sử dụng trong nghiên cứu này được nuôi trong lồng lưới đặt tại Đảo Gaya, Sabah. Kích thước lồng lưới là 5 x 5 mét đối với GG và 4,5 x 4,5 mét đối với TGGG, với độ sâu là 3,5 mét. Cá bố mẹ được cho ăn hai lần một tuần bằng cá trích (Sardinella sp.) bổ sung thêm dầu cá, dầu mực và vitamin premix. Tổng chiều dài của các lứa cá nằm trong khoảng từ 60 đến 90 cm và trọng lượng dao động từ 40 đến 60 kg đối với GG và 9 đến 14 kg đối với TGGG là đạt tiêu chuẩn cá bố mẹ.
Sau khi cho lai thì sự phát triển của trứng loài cá lai ngược TGGG và GG gần giống với các loài bố mẹ của nó và các loài thuộc họ cá mú Epinephelus khác. Trứng đã thụ tinh có đường kính 0,860 đến 0,915 mm, với giọt dầu có đường kính 0,190 đến 0,214 mm.
Tỷ lệ thụ tinh và nở nằm trong khoảng từ 80 đến 90%. Ấu trùng mới nở có kích thước từ 1,64 đến 1,99 mm và bắt đầu ăn ở thời điểm 60 ngày sau khi cho nở. Gai lưng và bụng bắt đầu phát triển từ 9 ngày sau khi nở, sau đó chúng bị rụng đi và hình thành vây lương và vây ngực vào ngày 21. Đến tuổi 30 ngày sau khi nở chúng từng bước vào giai đoạn cá con. Ở 60 ngày sau khi nở, hình dạng cơ thể và màu sắc của cá bột giống với cá trưởng thành. Sau hơn 300 ngày sau khi nở, cá đạt trọng lượng 1 kg. Việc lai ngược giữa TGGG cái và GG đực sẽ có tỷ lệ tăng trưởng và sống sót thậm chí còn tốt hơn TGGG vì việc lai ngược nhằm tạo con lai mang nhiều vật liệu di truyền hơn từ GG, điều này lý tưởng cho tạo ra loài cá mới mang nhiều đặc điểm tối ưu hơn.
Tỷ lệ thụ tinh và nở nằm trong khoảng từ 80 đến 90%. Ảnh: haisansaigon
Ấu trùng dinh dưỡng dựa vào túi noãn hoàng trứng từ 1 đến 2 ngày sau khi nở. Tuy nhiên, Chlorella sp., đã được thêm vào ao nuôi như giúp ổn định nước trong thời gian đó. Ấu trùng từ 3 đến 14 ngày sau khi nở được cho ăn Rotifer là loài Brachionus sp.. Sau đó cho ăn ấu trùng Artemia salina thương mại từ 10 đến 40 ngày sau khi nở, và ăn thức ăn dạng bột, Otohime từ 20 đến 55 ngày sau khi nở. Từ 24 đến 60 ngày sau khi nở chúng được cho ăn Copepod, sau giai đoạn này chúng được ăn cá băm nhỏ.
Các biến dạng hình thái lớn và tỷ lệ chết trên diện rộng không được quan sát thấy trong suốt thời gian nuôi ấu trùng và cá con của phép lai ngược TGGG x GG. Tuy nhiên, tương tự như các loài cá mú khác, ăn thịt đồng loại là yếu tố chính gây ra tỷ lệ chết. Do đó, có thể giảm thiểu tình trạng ăn thịt đồng loại bằng cách cho cá ăn đầy đủ, việc phân loại kích cỡ cá nuôi riêng được thực hiện một lần một tuần để giảm tình trạng ăn thịt đồng loại, một quá trình cần thiết góp phần vào tỷ lệ sống sót 75%.
Như vậy đây là kỷ lục đầu tiên về lai tạo ngược ở cá mú giữa TGGG và GG với sự tăng trưởng ghi nhận lên đến 1 kg và đạt chiều dài tổng thể gần 30 cm trong vòng một năm. Đây là một cột mốc quan trọng đã đạt được, đặc biệt đối với nghề nuôi cá mú. Mặc dù vậy, tỷ lệ sống sót vẫn là mối quan tâm chính. Những yếu tố khác bao gồm điều kiện nuôi dưỡng tối ưu và khả năng kháng bệnh cần được nghiên cứu thêm để thúc đẩy hiệu suất tăng trưởng tốt hơn.