Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ngày 27.6, tại Phú Yên, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị chuyên đề về bệnh tôm hùm, nhằm phối hợp với các địa phương triển khai xử lý dịch bệnh ở những vùng nuôi trọng điểm.
Thứ Trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Chưa có qui hoạch chi tiết tiểu vùng nuôi tôm hùm lồng
Bộ NNPTNT làm qui hoạch tổng thể, qui hoạch vùng, các địa phương làm qui hoạch chi tiết tiểu vùng, qui hoạch từng đối tượng nuôi. Thời điểm này Bộ NNPTNT chưa trình Chính phủ phê duyệt Qui hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Riêng vùng nuôi tôm hùm thương phẩm chỉ tập trung ở 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Người nuôi tôm hùm lồng không tự kiểm soát vệ sinh môi trường và thực hiện qui định về bố trí mật độ nuôi. Thường thì sau 1-2 năm, người nuôi tôm di chuyển lồng đến địa điểm mới, nhưng lồng tôm tới đâu, ô nhiễm môi trường biển tới đó, dịch bệnh xảy ra là tất yếu.
Phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa Trần Thanh Thúy: Chữa bệnh tôm, chỉ giải quyết phần ngọn!
Trong thực tế, mỗi người chữa bệnh cho tôm một kiểu, dẫn đến hiện tượng tôm kháng thuốc và tiếp tục chết. Thấy tôm bệnh, lo tìm cách trị bệnh, chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Đã đến lúc phải xây dựng dự án vùng nuôi tôm bền vững gắn với tổ chức quản lý cộng đồng tại vùng nuôi; xây dựng hoàn chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi và các quy định về phòng chống dịch bệnh tôm hùm.
Bà Nguyễn Thị Tàu, đầu nậu thu mua tôm hùm ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa): Thương lái Trung Quốc thu gom cả tôm chết!
Tôm chết cũng được thương lái thu mua để mang về Trung Quốc. Có thể gần đây họ thấy tôm chết nhiều nên “ép” giá tôm sống xuống mức thấp bất thường. Hàng ngày thương lái Trung Quốc điện thoại thông báo giá mua tôm cho các chủ vựa, đầu nậu..., chúng tôi không có quyền quyết định giá cả.
Ông Nguyễn Khắc Tân – Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông – ngư Phú Yên: Không có kinh phí để thực hiện mô hình trình diễn
Chúng tôi đã mở 8 lớp tập huấn cho người nuôi tôm hùm ở huyện Tuy An và và thị xã Sông Cầu, nhưng rất ít hộ áp dụng phác đồ điều trị bệnh tôm hùm của Bộ NNPTNT. Do không có nguồn kinh phí nên không thể “dạy” thực hành. Theo tôi, cần phải có cán bộ thú y thủy sản cắm chốt tại các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm để thường xuyên kiểm tra phát hiện bệnh và hướng dẫn dân phòng trị bệnh cho tôm hiệu quả