Ngày 19-5, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS, thuộc Hội nghề cá Việt Nam), phối hợp với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam và Tổ chức Oxfam Việt Nam, tổ chức hội nghị “Đối thoại khách hàng chuỗi giá trị tôm Việt Nam”, nhằm tìm hướng đi đúng đắn cho ngành tôm Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hàng năm ngành thủy sản Việt Nam đã, đang đóng góp hơn 3% vào GDP cả nước; sản phẩm thủy sản xuất khẩu đi 164 quốc gia. Trong đó, tôm là 1 trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam (chiếm 44,39%), tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình; đồng thời, được đánh giá là ngành có mức tăng trưởng bình quân tốt (6,82%/năm).
Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, các liên kết chuỗi giá trị tôm còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, thiếu công bằng và minh bạch thông tin. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trong năm 2015, xuất khẩu tôm không chỉ giảm 1,023 tỷ USD, mà thị trường còn bị thu hẹp hơn 1/3; từ xuất khẩu sang 150 thị trường vào năm 2014 đến 2015 chỉ còn xuất qua 92 thị trường.
Được sự tài trợ của Liên minh châu Âu, thời gian qua Trung tâm ICAFIS triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam” kéo dài trong 4 năm (2016 - 2020) tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Sau hơn 1 năm triển khai dự án với sự phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… dự án đã thúc đẩy ký kết được 54 hợp đồng liên kết chuỗi từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra để đảm bảo kiểm soát chất lượng trong chuỗi, áp dụng thực hành nuôi theo chứng nhận bền vững, áp dụng truy xuất nguồn gốc.
Từ đó giúp giảm giá thành đầu vào từ 15-20%, tăng giá bán ra từ 3-5%. Đặc biệt, do áp dụng các mô hình nuôi tôm bền vững tại 3 địa phương triển khai dự án, giúp người nuôi giảm thiểu được dịch bệnh, hạn chế các tác động xấu ra môi trường.
Về vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát; các gian lận thương mại thông qua mô hình liên kết trực tiếp hoặc liên kết có kiểm soát. Điều đặc biệt, người nuôi tôm quy mô nhỏ được tham gia tiếp cận thị trường quốc tế thông qua liên kết nuôi theo chứng nhận…
Kết quả bước đầu dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng là hướng đi đúng cho ngành tôm Việt vươn tầm quốc tế. Khẳng định giá trị và niềm tin tôm Việt thông qua các quy trình nuôi tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi giá trị giúp ngành tôm việt phát triển theo hướng bền vững.