Nỗi niềm “hai người” nuôi cá
Chưa bao giờ ngành cá tra thê thảm như lúc này. Gặp doanh nghiệp, doanh nghiệp than thiếu vốn, sản xuất cầm chừng và chờ... Tiếp xúc người nuôi cá, ai nấy đều kêu lỗ nặng. Giá cá nguyên liệu thu mua tại ao 19.000 - 20.000 đồng/1kg như hiện nay, người nuôi đã lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/1kg.
Chị Nguyễn Thị Kim - một hộ nuôi cá tra ở Cồn Khương (Cần Thơ) than: “Chưa năm nào nuôi cá tra khổ như năm nay. Phải chi vụ rồi tui nghe ông nhà cho thuê hết 5 ao nuôi thì bây giờ không phải sống trong tâm trạng ngồi trên đóng lửa. Mở mắt ra, nào phải lo tiền đóng lãi ngân hàng, tiền thức ăn, nhân công. Cái gì cũng đòi tăng nhưng chỉ có giá cá là liên tục giảm!”
Hiện tại chị Kim có 5 ao nuôi với tổng diện tích gần 15.000m2, trong đó có 2 ao sắp thu hoạch, nhưng vì giá cá thấp quá nên chị đang cho ăn cầm chừng. Mặc dù vậy, mỗi ngày chị đổ xuống 5 tấn thức ăn tương đương khoảng 55 triệu bỏ xuống sông cho cá ăn. Đã vậy, mỗi tháng phải gánh thêm 16 triệu tiền lãi ngân hàng, nếu giá cá không tăng trở lại, chuyện vỡ nợ như cầm chắc trong tay.
Ngồi nhìn công nhân cho cá ăn trên ao nuôi của mình, anh Phạm Thái Thú - khu vực 3 Phường Cái Khế bùi ngùi kể: “Cũng vì vốn ít và thấy nhà nước chưa quan tâm đúng mức với ngành cá tra nên sau lần thua lỗ năm 2010, tui đã bỏ mộng làm giàu từ con cá tra này. Từ năm đó tui cho công ty thuê ao, lấy tiền trả nợ ngân hàng và bám vào mấy gốc xoài còn lại sinh sống”.
Trước đây, tại 2 ao cá của anh Thú là 15 công xoài cát Hòa Lộc (15.000m) nhưng vì anh thấy trồng xoài vất vả và thu nhập hạn chế nên kết hợp với người bạn phá vườn xoài, đào ao nuôi cá. Nhưng không ngờ, kế hoạch nuôi cá thất bại, nợ nần chồng chất. Cũng may anh nghe lời vợ bỏ nghề, nếu tiếp tục vay ngân hàng nuôi cá thì giờ này sẽ thảm hại hơn nhiều.
Người nuôi “khóc thay” cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Thanh - một hộ nuôi cá liên kết với công ty chế biến buồn rầu nói: “Chú tính đi với 5 ao cá này mình cho thuê thôi, không phải làm gì mỗi năm cũng lấy 500, 600 triệu đồng. Còn bây giờ, cả nhà cả phải àm vần vật suốt ngày, nhất là những lúc cá bệnh, cả nhà cũng muốn bệnh theo. Nhưng đáng rầu hơn là doanh nghiệp không tiền mua cá, làm giá cá liên tụt giảm”.
Trước giá cá tra sụt giảm như hiện nay, dù người nuôi cá tư nhân hay người nuôi cá theo mô hình liên kết với doanh nghiệp đều khổ như nhau. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX Thới an cho biết: “Trước đây việc doanh nghiệp thanh toán tiền mua cá cho xã viên có chút lợi thế hơn hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên với tình cảnh hiện nay, xã viên phải “tự nguyện” bán cá, lấy tiền chậm 1,2 tháng là chuyện thường. Vì việc này còn may mắn hơn việc doanh nghiệp phá sản, không đến mua cá”.
Tiếp xúc với người nuôi cá, ngoài những câu than vãn thua lỗ thì sau cùng người nuôi cá nào cũng cầu mong cho nhà nước nhanh tay mở gói cứu trợ cho các doanh nghiệp. “Tôi có 15 ao nuôi, trung bình mỗi đợt thu hoạch khoảng 5 ao và với sản lượng trung bình 200 tấn cá/1 ao tương đương với 1.000 tấn cá. Với số cá này, mỗi ngày tôi mất vai trăm triệu đồng tiền thức ăn. Bởi vậy, chỉ cần doanh nghiệp đến chậm bắt cá 4, 5 ngày thì tôi mất bạc tỷ chứ chẳng chơi nên bà con nuôi cá cầu mong Chính phủ sớm giải cứu cho doanh nghiệp, vì DN khỏe, người nuôi cá mới bình an.” Chị Thanh - một hộ nuôi cá ở Sóc Trăng cho biết.
Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp thủy sản “chết lâm sàn”, nhiều nông dân chấp nhận bán cá giá thấp, lấy tiền trả chậm… Ngoài ra họ còn thú nhận để giảm thua lỗ, ngoài việc cho cá ăn cầm chừng thì việc dùng thức ăn kém chất lượng họ đã nghĩ đến. Như vậy, một lượng cá có chất lượng kém sẽ được trào bán và điều này là cơ hội cho phía đối tác giảm giá mua và thương hiệu cá tra của Việt Nam sẽ mất dần vì kém chất lượng.
Một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành nuôi cá là tỷ lệ cá giống hao hụt quá cao.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX Thới an bức xúc: “Ngành Nông nghiệp có 3 đứa con, một đứa là ngành trồng trọt, một đứa là ngành chăn nuôi, một đứa là nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng bao nhiêu năm nay, heo, vịt gà chết, lúa rớt giá thì nhà nước hỗ trợ, cứu trợ, …ngay. Còn mỗi khi ngành cá tra lao đao thì doanh nghiệp, người nuôi cá phải tự bơi hết. Nhưng với thực trạng hiện nay thì doanh nghiệp, người nuôi không còn sức đâu nữa mà bơi. Bời vậy các xã viên đang cầu mong bán hết đợt cá này rồi ngân hàng đến lấy ao, lấy nhà thì lấy, họ tìm nơi khác mưu sinh.”
Đến khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) nhiều công nhân dang làm việc tại các nhà máy chế biến cá tra cho biết cả tháng nay doanh nghiệp giảm công suất hơn 1 nửa, tiền lương không đủ sống, hàng ngàn công nhân sống trong tình cảnh “đi không nở ở không đành”. Nhưng theo các công nhân cho biết, họ còn may mắn hơn một số người bị mất việc vì công ty đóng cửa.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp Cần Thơ cho biết: “Chỉ có 18 doanh nghiệp chế biến cá tra nhưng tập trung trên 13.000 công nhân (đã giảm 2.000 so với năm rồi - PV) điều này cho thấy các doanh nghiệp chế biến thủy sản, cá tra tạo công ăn việc làm, ổn định cho một lượng lớn lao động của vùng ĐBSCL. Chính vì thế, về vấn đề an sinh, ổn định kinh tế xã hội thì các cơ quan ban ngành cần sớm giải nút thắt tài chính để cứu doanh nghiệp, cứu người nuôi cá, cứu hàng ngàn công nhân lao động có nguy cơ mất việc nếu doanh nghiệp phá sản.”
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp là một trong những tỉnh thực hiện thành công mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (doanh nghiệp chế biến và thức ăn- PV) và người nuôi cá có tỷ lệ cao nhất ở đồng bằng, trên 64,5%. Ở các tỉnh khác, như Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, … cũng đang học theo, quy mô liên kết 3 nhà không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên theo các chuyên gia trong ngành thủy sản nhận định: Với mô hình liên kết này chỉ phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp thật sự “mạnh khỏe” và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững ngành cá tra. Nhưng với tình cảnh hiện nay, không khéo mô hình liên kết này là nấm mồ chôn chung của doanh nghiệp và người nuôi cá.