Mục tiêu chung là chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển sang các ngành nghề khác (ngoài hoạt động khai thác hải sản); từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề, góp phần khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.
Mục tiêu đến năm 2025, chuyển đổi 342 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản có tính xâm hại nguồn lợi thủy sản cao (gồm nghề lưới kéo (giã cào), lưới lồng, nghề ngư cụ kết hợp ánh sáng) sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (218 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (124 chiếc). Cụ thể:
+ Chuyển đổi 248 tàu cả hoạt động vùng biển ven bờ (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét) sang nghề khai thác hải sản khác ít xâm hại đến nguồn lợi thủy sản 154 chiếc (Quy Nhơn: 24 chiếc, Tuy Phước: 130 chiếc) và chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản 94 chiếc (Quy Nhơn 11 chiếc, Tuy Phước 83 chiếc).
+ Chuyển đổi 94 tàu cả hoạt động vùng lộng (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét) làm nghề lưới kéo (giã cào) và nghề mành mực (hoạt động ở ngư trường phía Nam) sang các nghề khai thác hải sản khác ít xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, không vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài 64 chiếc (Quy Nhơn: 08 chiếc, Phù Cát: 21 chiếc, Phù Mỹ: 30 chiếc, Hoài Nhơn: 05 chiếc) và chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản: 30 chiếc (Quy Nhơn: 24 chiếc, Hoài Nhơn: 06 chiếc).
+ Các tàu chuyển sang nghề khai thác khác thân thiện với môi trường gồm các nghề: Câu tay, lưới vây, câu cá ngừ đại dương, dịch vụ hậu cần,...
+ Tập huấn, đào tạo nghề cho 2.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới (kể cả ngư dân bị ảnh hưởng bởi chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản và ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác khác).
Giai đoạn từ năm 2026-2030, chuyển đổi 198 tàu cá hoạt động ở vùng lộng và vung khơi đang làm nghề lưới kéo và nghề câu mực kiêm lưới mảnh sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (133 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (65 chiếc). Cụ thể:
+ Chuyển đổi 155 tàu cả hoạt động vùng lộng làm nghề lưới kéo (giã cào) và nghề mành mực (hoạt động ở ngư trường phía Nam) có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét sang các nghề khai thác hải sản khác ít xâm hại đến nguồn lợi thủy sản 90 chiếc (Quy Nhơn 02 chiếc, Phù Cát 48 chiếc, Phù Mỹ 35 chiếc, Hoài Nhơn 05 chiếc) và chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản: 65 chiếc (Quy Nhơn 01 chiếc, Phù Cát 48 chiếc, Phù Mỹ 11 chiếc và Hoài Nhơn 05 chiếc).
+ Chuyển đổi 43 tàu cả hoạt động vùng khơi (Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên) làm nghề lưới kéo (giã cao) sang các nghề khai thác khác ít xâm hại đến nguồn lợi thủy sản hơn như nghề câu tay, lưới vây, câu cá ngừ đại dương, dịch vụ hậu cần ...(Quy Nhơn 06 chiếc, Phù Mỹ 37 chiếc).
+ Tập huấn, đào tạo nghề cho 1.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới (kể cả ngư dân bị ảnh hưởng bởi chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản và ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác khác).