Anh Nguyễn Văn Tám xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là một trong những nông dân đầu tiên nuôi sò huyết thành công. Anh Tám kể cách đây gần 10 năm, trong một lần đi bắt cua, cá ở sông Kinh Xáng - Đông Hung thuộc huyện Cái Nước, anh tình cờ phát hiện có rất nhiều sò huyết tự nhiên.
Lúc ấy, bà con ở địa phương thường bắt sò bán cho thương lái, những con sò nhỏ thương lái không mua, bà con mang về vuông tôm thả nuôi như nuôi ốc. Sò ăn thức ăn tự nhiên nên lớn nhanh và sau đó người ta lại thu hoạch bán. Sò có giá trị cao, từ 60 đến 70 nghìn đồng/kg nên người nông dân ở huyện Cái Nước bắt đầu mở rộng mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm, đặc biệt từ 2, 3 năm trở lại đây.
Mô hình nuôi sò huyết đầu tiên ở xã Đông Thới và sau đó lan rộng ra các xã khác trong tỉnh Cà Mau. Anh Tám tâm sự, nhờ nuôi sò huyết mà gia đình anh từ chỗ nghèo, chỉ có 6 ha vuông phụ thuộc hoàn toàn vào con tôm, giờ đây anh mở rộng thêm 9ha đất vuông và xây dựng được nhà mới, cửa hàng kinh doanh khác. Ngày trước, việc nuôi tôm phụ thuộc vào thời tiết, có khi thất thu mất trắng thì đến giờ những người nuôi sò huyết ở Cà Mau coi con sò là một vốn bốn lời.
Những người nuôi sò cho biết họ chỉ tốn tiền mua sò giống, chọn giống thật tốt và thuê nhân công trông và thu hoạch sò, còn lại không mất tiền thức ăn. Sò dễ nuôi hơn tôm nên thu hoạch ổn định. Mỗi kg sò bán cho thương lái tùy loại to nhỏ từ 60 đến 70 nghìn đồng/kg. Sò huyết nuôi chẳng khác nào sò tự nhiên vì sò không thể ăn thức ăn công nghiệp như cá nên chất lượng và giá cả sò vẫn giữ nguyên.
Theo kinh nghiệm nuôi sò của mình, anh Tám cho biết để nuôi sò đạt hiệu quả như mong muốn, khâu chọn sò giống và thả sò giống hết sức quan trọng. Sò giống được mua của người dân bắt ở sông Kinh Xáng Đông Hưng vào dịp Tết nguyên đán sau đó thả luôn vào vuông và nhớ thả ở những tháng có độ mặn cao, phù hợp, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán. Trong thời gian nuôi sò, người dân phải thường xuyên tháo nước ra vào trong vuông tôm để có thêm phù sa, vì sò là loài ăn lọc.
Đánh giá về con sò huyết, một cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn của tỉnh Cà Mau cho biết đây là mô hình cho hiệu quả đem lại giá trị kinh tế cao. Bởi khi nuôi xen canh, sò có tính năng lọc các chất bùn bã hữu cơ dưới đáy ao, nhằm cải thiện môi trường giúp cho các loài thuỷ sản như tôm, cua phát triển.
Huyện Cái Nước, Đầm Dơi là một trong những địa phương nuôi sò huyết lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Theo ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau từ năm 2013, nông dân tỉnh Cà Mau phát triển thêm nuôi sò huyết và mang lại giá trị kinh tế cao. Cho đến hết năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.321 ha nuôi sò huyết. Ở một số địa phương người dân quảng canh nuôi sò cùng tôm, cua.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để giúp bà con nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thủy sản. Phát triển nuôi trồng các giống thủy sản mới năng suất cao. Hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho các vùng nuôi mới theo quy hoạch và nhân rộng các mô hình tiên tiến trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tìm đầu ra cho một số sản phẩm thủy sản. Giám sát, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra công tác khảo nghiệm giống thủy sản mới, quy chế quản lý về thức ăn, chế phẩm sinh học và vật tư thiết bị mới chuyên dùng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, môi trường nuôi trồng thủy sản và chất lượng giống thuỷ sản ở các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá; Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường trong khai thác và đánh bắt thủy sản; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng nhằm khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Tuyên truyền, vận động nhân dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.