Báo cáo của Vinapa cho thấy, đến giữa tháng 8/2017, sản lượng cá tra cả nước chỉ đạt 650 ngàn tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong lúc chuẩn bị thực hiện Luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ, không ít doanh nghiệp cảm thấy bi quan về sản lượng cá tra xuất khẩu.
Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Vinapa nhìn nhận, ngành cá tra những năm qua có những thay đổi rất “lý thú”. Khi thị trường này giảm rất mạnh thì lại có thị trường khác tăng lên bù vào. Chẳng hạn, trước đây, EU từ mức chiếm gần 50% thị phần (trên 500 triệu USD/năm) bỗng nhiên sụt giảm mạnh thì thị trường Mỹ tăng lên thay thế.
Theo ông Dũng, trong cơ cấu thị phần, tháng 6/2017, mức độ tăng trưởng của thị trường Trung Quốc và Mỹ rất mạnh, trong khi EU giảm. Có lẽ, cá tra tăng ở thị trường Mỹ là do đối tác tranh thủ nhập trước khi nước này kiểm soát toàn bộ lô hàng nhập khẩu. Còn tính 6 tháng đầu năm 2017, thị trường Trung Quốc tăng đến 46%, Mỹ giảm 5,7%, EU cũng giảm rất mạnh.
Nhìn chung, thị trường Trung Quốc từ 10% nhưng chỉ sau 2 năm đã vượt lên chiếm khoảng 20,5% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Mỹ hiện chiếm từ 21-22%, EU sụt xuống còn khoảng 12%. Với đà này, đến cuối năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, có thể chiếm 25% thị phần; EU chỉ còn 10% hoặc thấp hơn.
Theo dự báo, trong thời gian tới có thể cá tra xuất sang Mỹ sẽ giảm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó rào cản thương mại chặt chẽ mà phía Mỹ đưa ra là quan trọng.
Để duy trì xuất khẩu bền vững và giữ được chỉ tiêu đề ra, phải tìm giải pháp ứng phó với 3 thị trường lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc. Đối với thị trường Mỹ, nếu thực hiện theo Farm Bill, Việt Nam phải chứng minh được các điều kiện tương đồng. Điều này bắt buộc ngành cá tra phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của thị trường và chứng minh được những điểm tương đồng về giống, chăn nuôi, chế biến, mã bao bì...