Trước thực trạng ngày càng có nhiều nước đưa ra các rào cản kỹ thuật yêu cầu tôm và các sản phẩm tôm phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc ít nhất là cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE, trong khi Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về XK tôm và các sản phẩm tôm. Do đó, việc chủ động xây dựng lộ trình cụ thể để tổ chức xây dựng các chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh là cần thiết và cấp bách.
Tháng 9/2016, Đoàn công tác của Bộ NN- PTNT Việt Nam đàm phán với Bộ Nông nghiệp Úc về các giải pháp, yêu cầu XK tôm nguyên con sang Úc.
Ở nhiều nước và ngay tại Đông Nam Á cũng chưa có nhiều cơ sở SX tôm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE. Chỉ duy nhất tại Indonesia có một vài cơ sở SX tôm giống được cơ quan thú y nước này xác nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh. Ở các nước khác, chủ yếu là cơ sở SX các loài thủy sản khác (không phải tôm) được xác nhận là an toàn dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, từ năm 2015, Cục Thú y đã tham mưu, báo cáo Bộ NN- PTNT có những chỉ đạo cụ thể và quyết liệt để UBND tỉnh Bạc Liêu, các cơ quan chuyên môn và Tập đoàn Việt Úc tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của OIE, cũng như yêu cầu của nước NK (điển hình là Úc, nơi có yêu cầu rất nghiêm ngặt về an ninh sinh học và an toàn dịch bệnh).
Cục Thú y đã tham mưu để Bộ NN- PTNT có cuộc làm việc với lãnh đạo OIE đề nghị hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn về cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE. Tư vấn để Bộ lập đoàn sang Úc trao đổi, đàm phán và ký biên bản thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ xây dựng chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE để XK tôm nguyên con sang Úc và các nước khác.
Hằng năm, bên lề hội nghị thường niên của OIE, lãnh đạo Cục Thú y có các cuộc họp với cơ quan thú y của các nước tại Pháp để trao đổi, cập nhật các thông tin yêu cầu về dịch. Đồng thời, Cục Thú y đã tổ chức nghiên cứu, dịch toàn bộ các quy định về an toàn dịch bệnh của OIE và các nước để có có sở hướng dẫn các tỉnh, TP và DN thực hiện.
Đồng thời, Cục Thú y đã có kế hoạch cụ thể với lộ trình rõ ràng để Bộ NN- PTNT, các cấp chính quyền, cơ quan thú y các cấp và DN tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra. Cục Thú y đã xây dựng, trình Bộ NN- PTNT ban hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tổng thể kế hoạch xây dựng chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh để XK.
Các nội dung chính của kế hoạch bao gồm: Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng SX tôm của tỉnh Bạc Liêu và của Tập đoàn Việt Úc, nhất là xác định chính xác những khó khăn, vướng mắc, tồn tại để đưa ra các giải pháp và lộ trình thực hiện; Tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn địa phương, của DN và của người nuôi tôm xung quanh chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh của Tập đoàn Việt Úc; Thành lập các tổ công tác kỹ thuật với sự phân công trách nhiệm cụ thể để cùng phối hợp tổ chức thực hiện từng hạng mục của kế hoạch.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông (trái) và Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Đặng Quốc Tuấn (phải) ký Biên bản hợp tác, hỗ trợ Tập đoàn Việt Úc xây dựng các cơ sở có chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh.
Hằng năm, Cục Thú y báo cáo Bộ NN- PTNT bố trí kinh phí tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động và tổ chức phòng, chống dịch bệnh tập trung tại các vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu. Cục Thú y và tỉnh cũng đã bố trí kinh phí tổ chức phòng, chống dịch bệnh và giám sát dịch bệnh tại vùng đệm xung quanh chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh; Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, giám sát Tập đoàn Việt Úc từng bước xây dựng, đánh giá và công nhận từng hợp phần của chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE.
Một vấn đề nữa là phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc tổ chức xây dựng từng hợp phần của chuỗi SX tôm nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE. Từ bản kế hoạch tổng thể, Cục Thú y đã hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, giám sát thường xuyên và liên tục trong hơn 3 năm để Tập đoàn Việt Úc đã xây dựng thành công từng hạng mục quan trọng của một cơ sở an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE.
Cụ thể, về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công nghệ SX đáp ứng yêu cầu; vị trí cơ sở SX tôm giống ngăn cách về mặt địa lý với các nguồn ô nhiễm tiềm tàng; nhà xưởng, trang thiết bị, nguồn nước, thức ăn đạt yêu cầu, đặc biệt có hệ thống xử lý nước bảo đảm không còn vi sinh vật, giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào cơ sở. Nguồn nhân lực với hơn 100 người tham gia vào các khâu quản lý, SX và nhân lực phòng thí nghiệm của Tập đoàn Việt Úc đã được đào tạo và cấp các chứng chỉ phù hợp.
Hình ảnh bên ngoài của cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE tại phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu.
Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh ở tất cả các công đoạn, bao gồm xử lý tiêu diệt các loại mầm bệnh ở các ao, bể nuôi, nguồn nước cung cấp, nguồn nước thoát, trong thức ăn và trong suốt quá trình SX. Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát 5 loại bệnh, gồm các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura, vi bào tử trùng và hoại tử gan tụy cấp liên tục trong hơn 2 năm; lấy mẫu và xét nghiệm hàng trăm mẫu nhằm bảo đảm không phát hiện bệnh nào trong số 5 loại bệnh nêu trên ở bất kỳ khâu nào.
Cuối cùng là tổ chức thẩm định, đánh giá nghiêm ngặt theo từng tiêu chí về an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE.
Trong khi thực hiện, các cơ quan chuyên môn của Cục Thú y, của tỉnh Bạc Liêu và kể cả mời các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Úc sang Việt Nam để thường xuyên theo dõi, thẩm định, đánh giá kết quả theo từng hợp phần và theo từng lộ trình thực hiện. Trên cơ sở đó, Cục Thú y đã hướng dẫn Tập đoàn Việt Úc xây dựng, khắc phục những nội dung chưa hoàn thiện nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE và của Úc.
Trong đó, Cục Thú y đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá gồm hơn 80 chỉ tiêu các loại để DN và các cơ quan làm căn cứ đánh giá, bao gồm: Tập đoàn Việt Úc tự đánh giá nội bộ dựa trên các tiêu chí rất cụ thể; các Tổ công tác của Cục Thú y và của tỉnh Bạc Liêu đánh giá, hướng dẫn khắc phục; cuối cùng, Cục Thú y thành lập đoàn thẩm định với sự tham gia của đại diện các cơ quan đánh giá chính thức toàn bộ chuỗi SX tôm của Tập đoàn Việt Úc.
Trong hơn 2 năm thực hiện, Cục Thú y cũng đã mời 02 đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Úc sang nắm bắt tình hình, hướng dẫn và đưa ra những nhận xét cơ bản về chuyên môn kỹ thuật, nhằm giúp Tập đoàn Việt Úc xây dưng cơ sở SX tôm an toàn dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp Úc sang khảo sát, đánh giá chuỗi SX tôm an toàn dịch bệnh của Tập đoàn Việt Úc.
Sau hơn 2 năm (kể từ cuối năm 2015), Tập đoàn Việt Úc lần đâu tiên xây dựng thành công một cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE. Trên cơ sở hồ sơ đăng ký dày hàng nghìn trang, Cục Thú y đã tổ chức đánh giá nhiều lần và thẩm định kết quả.
Cuối cùng, ngày 05/10/2018, Cục trưởng Cục Thú y đã ban hành Quyết định số 660/QĐ-TY về việc xác nhận cơ sở SX tôm giống của Công ty CP Việt Úc - Bạc Liêu tại phường Nhà Mát, TP Bạc Lieu (Bạc Lieu) đáp ứng tiêu chí an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE. Đây là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt và thành công lớn cho ngành SX tôm Việt Nam vì lần đầu tiên và duy nhất hiện nay có một cơ sở đạt chuẩn như vậy.
Với những kết quả đạt được, Cục Thú y đã tham mưu, báo cáo Bộ NN- PTNT đề nghị Bộ Nông nghiệp Úc cử đoàn chuyên gia sang đánh giá chính thức để từng bước có cơ sở XK tôm nguyên con đông lạnh từ Việt Nam sang Úc. Từ đó, các lô hàng tôm sống nguyên con sẽ có nhiều cơ hội XK sang các thị trường, chất lượng và lợi nhuận thu được từ ngành tôm Việt Nam sẽ tăng cao trong tương lai.
Đặc biệt sẽ không còn nhiều lo lắng trước việc các nước đưa ra các rào cản kỹ thuật yêu cầu tôm và các sản phẩm tôm phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc ít nhất là cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE.