Nuôi tôm là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trên thế giới đặc biệt là tại nước ta, trong đó các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Cà mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre…là những vùng nuôi tôm trọng điểm. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh và với mức độ nguy hiểm ngày càng cao.
Bệnh đốm trắng được thông báo đầu tiên ở Trung Quốc trong các ao nuôi tôm sú tỷ lệ chết rất cao (Chen, 1989). Virus hội chứng đốm trắng (WSSV) là một trong những tác nhân gây bệnh nghiêm trọng nhất làm tổn thất lớn về kinh tế cho ngành công nghiệp nuôi tôm trên toàn thế giới. Theo cơ quan Quốc tế về Dịch bệnh Động vật (1995), WSSV là virus gây bệnh cực kì nguy hiểm trên tôm nuôi, vì tác nhân này có khả năng lây rất nhanh, có hệ ký chủ rộng (Bonilla et al, 2008). Tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 80-100% trong vòng 7 – 10 ngày (Nakano et al, 1994).
Theo Lightner (1996), cần có phương pháp phát hiện sớm sự hiện diện virus gây bệnh trên đàn tôm giống trước khi thả nuôi và trên ao nuôi tôm công nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đã có nhiều phương pháp và các ứng dụng phát hiện WSSV trên tôm nuôi như: Phương pháp mô học truyền thống, một số phương pháp dựa trên cơ chế miễn dịch đặc hiệu (ELISA), phương pháp kính hiển vi điện tử, các kỹ thuật Real-time PCR,….nhưng đến nay những phương pháp trên vẫn có những hạn chế nhất định về mặt thực tiễn và thời gian phát hiện bệnh.
Chẩn đoán nhanh sự hiện diện mầm bệnh là rất quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh giúp phát hiện nhanh chóng và đồng thời cho biết tình trạng “đang nhiễm” ra sao, có giá trị dự đoán khả năng bùng phát của bệnh WSSV. Trong một nghiên cứu của Xiuzhen Sheng và các cộng sự, 2018 thì phương pháp “Sắc ký miễn dịch” đã được ứng dụng và phát triển thực tế, một dải xét nghiệm sắc ký miễn dịch bán định lượng (SIT-strip) được phát triển để phát hiện WSSV bằng cách quan sát số lượng các dòng xét nghiệm dương tính để xác định mức tải lượng gây ra bởi virus.
Ba dòng thử nghiệm được thiết lập để tạo thành vùng thử nghiệm, với nồng độ khác nhau của kháng thể đơn dòng kháng WSSV (MAb) 4G9 trong chuỗi giảm từ (TL) I - TL-III. Kết quả cho thấy, ngưỡng nồng độ TL-I, -II và -III được xác định là 783 ng/ml, 3.13 μg/ml và 6.26 μg/ml đối với WSSV, tương ứng, và giới hạn phát hiện của dải SIT là 783 ng/ml.
Kết quả xét nghiệm nhanh bệnh đốm trắng trên tôm. Ảnh: sciencedirect.
Dải SIT được phát triển đã được sử dụng để phát hiện WSSV tại các thời điểm khác nhau sau khi thí nghiệm trên tôm Procambarus clarkia, kết quả một dải màu đỏ đã hiển thị trên TL-I lúc nhiễm 12h (hpi) ở mang, hai dải cơ và ba dải trong mang và hệ bạch huyết tại 24hpi mặc dù không có tử vong tại thời điểm đó, và sau đó ba dải đã được tìm thấy trong tất cả các mô thử nghiệm và trên tôm chết. Tỷ lệ tử vong thấp từ 36 đến 48hpi và tăng nhanh trong 48–72hpi. Trong khi đó, số lượng bản sao WSSV được phát hiện bằng PCR để phân loại mức độ nghiêm trọng của nhiễm bệnh.
Những kết quả này cho thấy, dải SIT có thể cung cấp xác định mức độ hiện diện và nồng độ virus trước khi tử vong, đủ sớm để đạt được mục tiêu theo dõi tải lượng nhiễm WSSV dự đoán bệnh sắp xảy ra. Đây là một phương pháp mới phát hiện dấu ấn đặc trưng khi tôm bệnh đang bị nhiễm WSSV, có ý nghĩa khoa học thiết thực hỗ trợ cho việc theo dõi điều trị.
Mức độ thiệt hại do bệnh do virus đốm trắng gây ra là không thể bàn cãi, vấn đề quan trọng là diễn biến dịch bệnh xảy ra quá nhanh, khi người nuôi nhận biết được những biểu hiện bên ngoài của bệnh thì tôm nuôi có thể chết hàng loạt một thời gian ngắn sau đó. Vì vậy, phòng bệnh hơn trị bệnh, người nuôi cần tuân thủ một số khuyến cáo nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các mối nguy và thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra:
- Đảm bảo tôm giống trước khi thả nuôi phải được kiểm tra mầm bệnh, đặc biệt là không có dấu hiệu mầm bệnh đốm trắng.
- Cần thực hiện kỹ khâu tẩy dọn ao nuôi để diệt virus tự do, diệt và ngăn chặn những cá thể trung gian có mang mầm bệnh virus WSSV (cua, còng, tôm tự nhiên…).
- Tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.
- Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2.
- Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đánh xuống ao định kỳ nếu đáy ao nhiễm phèn, đóng chặt cống cấp và thoát nước, quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của địch hại.
- Đối với ao nuôi có mẫu xét nghiệm dương tính với WSSV, tuyệt đối không tháo nước ra ngoài môi trường, ngừng cho tôm ăn 1-2 ngày, sau đó cho tôm ăn bằng 10% định mức hàng ngày rồi tăng dần cho tới khi đạt định mức bình thường trong vòng 7-10 ngày.
- Thường xuyên duy trì mực nước 1,3-1,5m và ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng của tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.