Sáng ngày 23/5, tại Cơ quan Thú y vùng 6, đã diễn ra buổi làm việc giữa đơn vị này với Chi cục Thú y TP.HCM và Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng. Nội dung buổi làm việc xoay quanh thông tin đăng tải trên một số báo giấy, báo mạng ra cuối tuần qua, dẫn lời một lãnh đạo của Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng cho rằng nhiều năm nay Cty này không xuất được cá chép kiểng sang EU do không có giấy phép của Cục Thú y.
Đại diện của Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng tham dự buổi làm việc là ông Trịnh Ngọc Hùng, Phó giám đốc (PGĐ). Ông Hùng cho biết lẽ ra người đến tham dự là ông Nguyễn Văn Thủy, cũng là PGĐ Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng.
Ông Thủy chính là người đã được nhiều báo dẫn lời (khi trả lời Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng) nói rằng chưa xuất được cá chép kiểng vào EU vì không có giấy phép của Cục Thú y. Tuy nhiên, đến phút chót, ông Thủy không thể dự buổi làm việc được, nên nhờ ông Hùng đi thay.
Theo lời thuật lại của ông Hùng, ngày 21/5, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng có ghé thăm Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng. Trong lúc tham quan, Bí thư Thăng hỏi lãnh đạo công ty trong quá trình sản xuất, kinh doanh có gặp khó khăn gì không? Ông Thủy trả lời hiện nay khó khăn lớn nhất của công ty là không xuất được cá chép kiểng sang EU. Ông Thăng hỏi không xuất được từ bao giờ? Ông Thủy đáp rằng từ năm 2005. Ông Thăng có nói là sẽ gọi điện hỏi Bộ trường Bộ NN-PTNT xem vì sao rồi hai bên trao đổi sang vấn đề khác.
Ông Hùng cho biết, từ năm 2005 đến nay, Cty CP Sài Gòn Cá Cảnh không XK được cá chép kiểng sang EU là do vào năm 2005, EU đã ra quy định cá chép kiểng được NK vào khu vực này phải đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB) với Virus mùa xuân (SVC) và bệnh KHV. Ông Hùng khẳng định khi nói chuyện với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông Thủy không hề nói rằng đã gửi hồ sơ lên Cục Thú y từ năm 2005.
Vì vậy, lời của ông Thủy trên báo nói rằng không xuất được cá chép kiểng sang EU do không có giấy phép của Cục Thú y, có lẽ là do sự nhầm lẫn của một số phóng viên có mặt khi ấy. Khi nghe qua về thông tin về việc cá chép kiểng không xuất được sang EU, họ không biết rằng đó là do EU dựng hàng rào kỹ thuật, mà nghĩ rằng nguyên nhân là do không có giấy phép của Cục Thú y Việt Nam.
Cũng theo ông Hùng, năm 2006, Mỹ cũng quy định cá chép kiểng NK phải ATDB với SVC. Đến năm 2009, cá chép kiểng Việt Nam đã được phép xuất khẩu trở lại vào Mỹ.
Nhưng ở thị trường EU, đến nay, Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng vẫn chưa được XK cá chép kiểng trở lại. Về việc này, có phần lỗi của Cty do chưa kiểm soát được hoàn toàn bệnh KHV. Do chưa hoàn thiện được chương trình giám sát bệnh KHV nên Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng chưa thể gửi hồ sơ lên Cục Thú y để đề nghị chứng nhận ATDB với bệnh này.
Đồng thời, để được EU cho phép XK cá chép kiểng trở lại vào khu vực này, một mình cơ sở làm ATDB là không đủ, mà phải hình thành được cả một vùng ATDB, bao gồm TP HCM và các tỉnh lân cận.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, xác nhận, năm 2005, EU quy định cá chép kiểng NK vào khu vực này phải có nguồn gốc từ những cơ sở, vùng ATDB với SVC và KHV, do cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận. Mỹ cũng yêu cầu cá chép nhập khẩu phải ATDB với SVC.
Trước những quy định nói trên từ Mỹ và EU, Sở NN-PTNT TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) xây dựng chương trình kiểm soát dịch bệnh cho các cơ sở nuôi cá chép kiểng, đồng thời liên hệ với các cơ quan thẩm quyền ở EU, Mỹ để tìm hiểu về những quy định của họ đối với cá chép kiểng NK.
Ngành nông nghiệp TP HCM đã hướng dẫn các cơ sở kiểm soát SVC và bệnh KHV, TP hỗ trợ toàn bộ chi phí xét nghiệm các bệnh này. Với những nỗ lực đó, đến năm 2009, có 4 cơ sở sản xuất cá chép kiểng ở TP HCM, trong đó có Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng, được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh với SVC. Qua đó, 4 cơ sở này được cơ quan thẩm quyền của Mỹ cho phép XK cá chép kiểng vào nước này.
Tuy nhiên, theo ông Văn, do EU yêu cầu ATDB với 2 loại bệnh nên việc đáp ứng yêu cầu của khu vực này khó khăn hơn. Theo quy định của WHO, để được cơ quan thẩm quyền chứng nhận ATDB, các cơ sở phải vượt qua 4 lần lấy mẫu xét nghiệm. Trước tháng 3/2014, Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng đã vượt qua 3 lần xét nghiệm với KHV (đều có kết quả âm tính). Nhưng đến lần lấy mẫu thứ 4 (tháng 3/2014), kết quả lại không đạt.
Toàn bộ đàn cá chép của Cty đã bị xử lý hết và tái đàn mới. Đến thời điểm này, trên đàn cá mới, đã có 2 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính. Cty CP Sài Gòn Cá Kiểng vẫn cần 2 lần xét nghiệm nữa mà đều âm tính với KHV thì khi ấy mới có thể làm hồ sơ gửi lên Cục Thú y đề nghị kiểm tra, công nhận cơ sở ATDB.
Ông Phạm Lâm Chính Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết thêm sở dĩ đến nay các cơ sở sản xuất cá chép kiểng ở TP HCM vẫn chưa hoàn thiện được quy trình kiểm soát bệnh KHV, có phần lỗi không nhỏ từ công tác quản lý của chính các cơ sở này.
Bên ngành thú y đã có hướng dẫn phải lấy nước, xử lý nước nuôi cá sao cho không có mầm bệnh, phải mua cá có nguồn gốc rõ ràng. Nhưng các cơ sở vẫn chưa thực sự nghiêm túc tuân thủ những yêu cầu này. Có cơ sở vẫn nhập cá không rõ nguồn gốc. Mà chỉ cần lơ là một chút, mầm bệnh đã có thể xâm nhập vào đàn cá trong trang trại.