Xã Hòa Minh thuộc H.Châu Thành (Trà Vinh) như một ốc đảo nằm ở cửa sông Cổ Chiên, nhánh chính của sông Tiền. Đây chính là nơi con nước ngọt từ thượng nguồn dòng Mê Kông hòa vào biển mặn. Người ta nói ở Hòa Minh không có hai mùa mưa - nắng, cũng chẳng có bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Dân cù lao nương theo con nước mà mưu sinh với một quy luật nghe rất đơn giản: “Ngọt trồng lúa thơm, mặn nuôi tôm, cua biển”. Cuộc sống người dân cứ thế đi lên một cách vững vàng.
“Xả cảng” cho nước mặn
Những tháng cuối năm, tuyến đường bê tông từ bến đò chạy về trung tâm xã cù lao Hòa Minh như một bức tranh. Hai bên đường là những vuông tôm mênh mông nước xen lẫn ruộng lúa đang vào độ chín vàng, trĩu hạt.
Ông Phạm Tấn Khải (59 tuổi, Trưởng ấp Giồng Giá, xã Hòa Minh) nói rằng chẳng phải tự nhiên xã cù lao này tìm được hướng phát triển như bây giờ. Cũng từng có thời nước mặn bị ghẻ lạnh, bị xem như kẻ thù. Khoảng năm 1995 - 1996, tư duy ngọt hóa để trồng lúa lan rộng, H.Châu Thành từng cho làm đê bao khép kín ngăn nước mặn để Hòa Minh từ sản xuất 1 vụ lúa tăng lên 2 vụ/năm.
Ông Út Quời và bản đồ sông Cồn Chim, nơi được xem là nhà bảo sanh của tôm cá
Vài vụ qua đi, lúa nhiều hơn nhưng giá thấp, khó bán; trong khi cá tép, phù sa cạn kiệt nên dân vẫn nghèo. Bức bách quá, dân lén cầm cuốc phá đê bao. Chính quyền xã sau đó họp dân mấy lần, cuối cùng cũng phải bửa đê xả cảng cho nước mặn vào. Nhìn con nước mặn ào ạt tràn vào đồng, dân cù lao mừng rơn. Từ đó, cá tôm lại theo con nước lớn, nước ròng vào đầy kênh, rạch, ruộng đồng.
Mấy năm gần đây, giá trị tôm sú, tôm thẻ, cua biển ngày càng cao, dân cù lao Hòa Minh bắt đầu đắp bờ bao làm vuông nuôi thủy sản. Vừa chủ động điều tiết nước mặn để nuôi tôm cua vừa dễ dàng tích nước ngọt vào mùa mưa để trồng lúa sạch xen với nuôi thủy sản. Đời sống người dân khá lên trông thấy. “Tổng giá trị thủy sản của xã tính đến tháng 11.2017 đạt hơn 180,4 tỉ đồng, tăng 18,43% so với năm 2016. Có những gia đình nuôi tôm lãi vài tỉ đồng, còn vài trăm triệu đồng/năm là chuyện thường”, ông Trần Trung Kha, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Minh, nói.
Với người dân Hòa Minh, nước ngọt là “thần hộ mệnh”, còn nước mặn giống như “thần tài” giúp bà con làm giàu.
Lúa sạch dưới vuông tôm
Ở Hòa Minh, mấy năm nay người dân thường trồng những giống lúa thơm, ngon, gạo mềm như OM 5451, OM 4900. Đặc biệt vụ lúa này có 123 hộ dân chuyển sang trồng lúa hữu cơ với gần 94 ha sử dụng giống ST5 vốn nức tiếng ngon cơm. “Trồng lúa không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Lúa vừa chà xong là có doanh nghiệp bao tiêu đến tận nơi mua. Năng suất chỉ đạt từ 4,5 - 5,2 tấn/ha nhưng bù lại giá lên đến 9.000 - 11.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi lúa thường”, ông Kha hồ hởi.
Dẫn chúng tôi đi thăm 1,5 ha lúa hữu cơ trồng xen với nuôi cá rô phi, ông Sáu Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa sạch ấp Giồng Giá, cho biết khâu kỹ thuật, chăm sóc lúa đều được bên bao tiêu hướng dẫn. “Để làm mô hình lúa - cá này, tôi ngăn một vuông nhỏ ươm cá rô phi. Sạ lúa được một tháng thì lùa cá ra ruộng, cá ăn thức ăn trên ruộng lúa lớn nhanh như thổi. Đến lúc cắt lúa thì bắt cá bán luôn”, ông Sáu Hiền nói và nhẩm tính: “Tính riêng lúa bèo bèo cũng được trên 50 triệu đồng. Còn cá sơ sơ gần 1 tấn, chừa lại vài trăm ký để sinh sản cho vụ sau, còn lại bán giá 15.000 - 16.000 đồng/kg”. Cũng 1,5 ha này, vào mùa nước mặn từ tháng chạp đến tháng 6 âm lịch, ông Sáu Hiền sẽ thả ít nhất 80.000 tôm giống; 12.000 cua giống. Cùng với đó là tôm, tép tự nhiên theo con nước vào vuông. Chi phí chẳng bao nhiêu mà mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng “khỏe ru”.
Cùng tổ hợp tác lúa sạch với Sáu Hiền, nhiều hộ dân chọn trồng lúa hữu cơ xen với nuôi tôm như ông Sáu Tiền, Út Mới, Tám Nghĩa... Trưa hôm tôi đến, ông Tám Nghĩa (gần 70 tuổi) vác chài, chống xuồng ra ruộng lúa xen nuôi tôm quăng hai chài đã đem về một rổ tôm tươi cùng cá đối, cá linh. Cá đem nấu canh chua, tép tươi rói luộc nước dừa chấm muối ớt. Bữa cơm quê giản dị thế thôi. Nhấp ngụm rượu đế, ông Tám Nghĩa bảo: “Tiền mần ra được, còn sức khỏe thì không. Nhớ hồi đó mần lúa thường, mỗi lần xịt thuốc tôi nhức mình mấy ngày. Bây giờ chuyển qua lúa hữu cơ, không còn phải rớ tới mấy thứ độc hại đó nữa”.
Những chuyến phà từ đất liền ra cù lao Hòa Minh hoạt động 24/24 giờ
“Hương ước” bảo vệ sông
Ở cù lao Hòa Minh có nhánh sông Cồn Chim như một kiến tạo đặc biệt của tự nhiên. Từ sông Cổ Chiên vượt qua những con sóng lưỡi búa hung hãn, rẽ vào sông Cồn Chim con nước bỗng hiền hòa như mặt hồ. Sông Cồn Chim dài khoảng 3,5 km, rộng 150 m ngăn cách cù lao “mẹ” Hòa Minh và cù lao nhỏ: cồn Chim. Sông Cồn Chim êm ả, hai bên là những vạt bần, vạt dừa nước xanh mướt. Có lẽ vì thế mà từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm, cá tôm từ thượng nguồn về đây trú ngụ, sinh sôi nhiều vô kể. Nhưng cá nhiều thì dân đánh bắt nhiều. “Vài năm trước, dân hai bên bờ sông Cồn Chim đều sống bằng nghề đánh bắt. Ghe, tàu xứ khác cũng đua nhau kéo đến buông lưới, buông cào quần thảo suốt ngày đêm”, ông Út Quời (Nguyễn Văn Quời, 53 tuổi), Trưởng ấp Cồn Chim, kể.
Không lâu sau, mùa sinh sản, cá, tôm không còn về như trước. Năm 2013, dân Hòa Minh nhận được sự trợ giúp quốc tế của Tổ chức Oxfam (Úc) thông qua những lớp tập huấn về cách thích ứng với biến đổi khí hậu và tự quản lý nguồn lợi có kiểm soát. Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim ra đời, kèm theo đó là “hương ước” bảo vệ sông, gìn giữ môi trường sống...
Theo “hương ước”, hằng năm cấm khai thác thủy sản trên sông Cồn Chim từ tháng 2 - 6. Qua khoảng thời gian này, người dân được khai thác nhưng mắt lưới phải từ 1,8 cm trở lên. Những ai vi phạm bị bắt thả cá về sông và còn bị phạt từ 200.000 - 5 triệu đồng. Ghe cào điện, thuốc cá bị cấm bén mảng đến dòng sông này.
Bây giờ, người dân cù lao Hòa Minh không còn bận tâm nhiều đến nghề đánh bắt bởi con nước mặn, ngọt đã cho họ no đủ. Dù vậy, những thành viên trong Tổ đồng quản lý sông Cồn Chim vẫn tận tụy bảo vệ sông, bảo vệ rừng để cho tôm cá tự nhiên theo con nước về sinh sôi nảy nở quanh năm.