Nhận bằng cử nhân tại Đại học Công nghiệp Hà Nội từ năm 2011, nộp hồ sơ tới nhiều doanh nghiệp nhưng sau nửa năm, anh mới được nhận vào làm tại một công ty tư nhân với mức lương 3 triệu đồng, không có bảo hiểm. Với suy nghĩ ra trường có việc đã là tốt, Hiếu khấp khởi đi làm giờ hành chính, ngoài giờ vẫn phải đi chạy xe ôm, gia sư để có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, chỉ có một tháng Hiếu nhận lương đúng hẹn, còn sau đó là những tháng liên tục thất hứa nên anh xin nghỉ việc để nộp hồ sơ xin việc một số đơn vị khác. Mất 3 tháng nộp hồ sơ và chờ đợi nhưng không được nơi nào gọi đi làm, Hiếu quyết định nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau 4 tháng học tiếng, cuối năm 2013, anh đã sang Nhật và làm công nhân trong một nhà máy thủy sản với thu nhập khoảng 28 đến 30 triệu đồng.
Anh dự định làm vài năm bên Nhật để tích cóp tiền trả ngân hàng vay khi làm thủ tục. Sau đó, khi về nước, có thể xin vào làm việc tại một công ty của Nhật nhờ có vốn ngoại ngữ.
"Tuy nhiên, vài năm nữa về, chữ nghĩa học ở trường chắc chẳng dùng được nữa, có khi vẫn phải làm công nhân. Sang Nhật, hiện mình chỉ làm những việc thủ công. Một thời gian nữa thạo tiếng và quen thuộc việc đi lại, có thể mình tìm việc làm thêm liên quan đến ngành đã học nhưng chắc cũng rất khó khăn", Hiếu cho hay.
Xuân, tốt nghiệp đại học chuyên ngành hành chính, nhân sự từ giữa năm ngoái. Số hồ sơ chị nộp cả bản cứng lẫn online cũng cũng lên tới vài chục bộ. Tuy nhiên, chỉ có vài nơi gọi đi phỏng vấn thì chủ yếu là công ty đa cấp hoặc cộng tác viên bán bảo hiểm, và đến nay chị vẫn chưa có việc làm mà phải đi gia sư. Thời gian tới, Xuân dự định mở một cửa hàng bán bún đậu mắm tôm cùng vài người bạn để có tiền trang trải cuộc sống và tiếp tục tìm việc làm.
Chị Bình cũng gặp tình cảnh bi đát không kém từ nửa năm nay. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2010 và có 2 năm kinh nghiệm làm tại công ty tư nhân. Sau khi nghỉ sinh và không được hưởng khoản bảo hiểm nào hồi tháng 4 năm ngoái, đơn vị đề nghị chị nghỉ việc.
Chị rải hồ sơ xin việc khắp nơi đến nay ngót nửa năm. Có công ty nhận hồ sơ xong biệt tăm, một số đơn vị thì phỏng vấn và làm bài rồi thi nhưng cũng "bặt vô âm tín". Ngày nào chị cũng mình cũng lên mạng tìm việc rồi đi nộp hồ sơ.
"Chuyện tài chính là một phần nhưng mình còn sợ tình trạng thất nghiệp kéo dài sẽ làm những kiến thức mình đã học và thực tế bị mai một. Còn những kiến thức mới thì sẽ không cập nhật được, như vậy sẽ càng khó xin việc hơn", chị Bình lo âu.
Gần đây, tại một buổi tọa đàm về việc làm, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội nhận định thị trường lao động hiện nay có một thực trạng là lao động phổ thông tìm việc dễ dàng, trong khi người đã qua đào tạo lại gặp khó. Nghịch lý trên xuất phát từ nền sản xuất chủ yếu là gia công, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông để trả mức lương thấp.
Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở độ tuổi 15-24 trong năm 2013 ước tính là 6,36%, tuổi từ 25 tuổi trở lên khoảng 1,21%. Tỷ lệ này ở cả khu vực thành thị và nông thôn đều tăng so với cuối 2012.
"Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động", Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong khi đó, cũng theo cơ quan này, ước tính đến 1/1/2014, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tiếp tục tăng thêm 860.000 người so với cùng kỳ.