Tháng 6/2011 tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chủ trì Hội nghị về phát triển tổ, đội trong khai thác hải sản trên biển (gọi tắt là tổ sản xuất trên biển - TSXTB). Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay số lượng TSXTB đã tăng nhanh ở hầu hết các địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội đã được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện và xây dựng mô hình cũng đã bộc lộ rất nhiều khó khăn và bất cập cần chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.
Kết quả bước đầu khả quan
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, việc phát triển mô hình TSXTB phù hợp với định hướng tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản (KTHS) theo chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/09/2010. Trong thời gian qua, Tổng cục đã triển khai thực hiện các công việc cụ thể, như ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các dự thảo chính sách hỗ trợ TSXTB, xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thành lập tổ, đội sản xuất, xây dựng sổ tay hướng dẫn, tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành tiêu chí ưu tiên lắp đặt thiết bị vệ tinh cho các TSXTB.
Có thể nói, mô hình TSXTB xuất phát từ yêu cầu thực tế của ngư dân trong quá trình sản xuất nên đã nhận được sự đồng thuận cao. Hình thức hợp tác chủ yếu của các tổ, đội hiện nay là các chủ tàu có tàu hoạt động trên cùng ngư trường, cùng nghề khai thác hoặc cùng nơi cư trú (thôn, xã, phường…) tập hợp với nhau và tự nguyện hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trong quá trình khai thác, dịch vụ hậu cần, cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, …
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, các tàu cá tham gia mô hình sản xuất này đã khai thác đạt hiệu quả hơn, năng suất khai thác tăng, có tàu sản lượng tăng 1,2–1,5 lần so với khi chưa gia nhập tổ. Tính đến ngày 31/07/2012, cả nước đã thành lập được 3.466 tổ với trên 21.400 tàu cá và 135.809 lao động.
Mô hình tổ chức sản xuất này ngoài việc mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, còn giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tăng thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập của cả chủ tàu và người lao động; đồng thời tăng cường sự hiện diện dân sự của tàu cá Việt Nam tại các vùng biển xa bờ, thông báo kịp thời tới các cơ quan quản lý Nhà nước và bộ đội biên phòng khi gặp rủi ro.
Còn nhiều khó khăn và hạn chế
Đánh giá cao những kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong mô hình TSXTB cần được tháo gỡ và chấn chỉnh kịp thời.
Khó khăn lớn nhất liên quan đến vốn đầu tư và kinh phí hoạt động. Do không có vốn đầu tư nên các tổ, đội không tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác, không có điều kiện cải hoán tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị, đầu tư nghề mới… Vì vậy, các tổ đội vẫn chỉ là hình thức hợp tác về tinh thần là chính, chưa thực sự liên kết và gắn bó với nhau trên nền tảng các lợi ích kinh tế chung.
Hầu như không có kinh phí để triển khai tập huấn cho các tổ trưởng, thuyền trưởng về công tác quản lý mô hình sản xuất, phòng tránh thiên tai và phát triển khai thác xa bờ. Trong khi đó, những điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất khó thực hiện.
Mặt khác, thông tin liên lạc hai chiều giữa tổ trưởng các TSXTB và cơ quan quản lý nhà nước không duy trì được thường xuyên, gây nhiều khó khăn trong việc thông báo diễn biến thời tiết, phối hợp cứu hộ, cứu nạn và an toàn trong hoạt động trên biển, từ đó không nắm bắt được những tồn tại trong các tổ để tìm hướng khắc phục.
Một số TSXTB được thành lập nhưng hoạt động chưa đúng theo quy ước (hợp đồng hợp tác) đã ký kết. Ngoài ra, việc thành lập các tổ theo nghề hay ngư trường vẫn hạn chế do ngư dân có tư tưởng giấu ngư trường, không khai báo tọa độ với cơ quan chức năng, nhiều ngư dân vẫn sợ cách làm ăn chung theo kiểu HTX, muốn duy trì làm ăn riêng lẻ…
Củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết trên biển
Theo ông Hồ Phó - Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, thực trạng đáng buồn hiện nay là các đội tàu của chúng ta còn quá thô sơ, hoạt động nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu bám biển dài ngày, năng suất không cao. Do đó trước mắt cần tập trung đóng tàu công suất lớn. Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ưu đãi để hiện đại hóa đội tàu khai thác.
Cùng quan điểm trên, ông Đào Hồng Đức - Phó Cục trưởng Cục KT&BVNLTS nhấn mạnh thêm, rằng đa số tàu của ngư dân hiện nay đều có vỏ gỗ, đóng theo kinh nghiệm dân gian nên chất lượng không cao. Cần thay thế vỏ gỗ bằng các vật liệu bền vững hơn như thép, composit,… đồng thời phát triển mô hình tàu hậu cần trên biển để ngư dân an tâm khi đánh bắt xa bờ, tránh việc phải rời ngư trường khi đang khai thác.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: “Hiện nay, ai cũng muốn hiện đại hóa tàu cá nhanh. Tuy nhiên, việc hiện đại hóa tàu cá liên quan đến rất nhiều vấn đề. Mặt khác, chúng ta phải tính toán tiến độ hiện đại hóa đội tàu sao cho phù hợp, tránh đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả. Song song với đó là đầu tư về con người; những người trực tiếp khai thác phải có kiến thức, tay nghề vững vàng để sử dụng các trang thiết bị hiện đại, từ đó việc hiện đại hóa tàu cá xa bờ mới có hiệu quả cao nhất”.
Mặc dù trong bước đầu xây dựng và triển khai mô hình TSXTB còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, nhưng rõ ràng mô hình này đã mang lại nhiều kết quả khả quan và đảm bảo có hiệu quả cao nếu có những bổ sung, điều chỉnh các định hướng và chính sách quản lý phù hợp hơn với thực tiễn, từ đó củng cố và tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ triển khai xây dựng mô hình căn cứ hậu cần sản xuất trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, sẽ nhân rộng và phát triển các mô hình hậu cần nghề cá trên biển để giúp ngư dân có các dịch vụ như ở trên đất liền.
“Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020, về cơ sở hạ tầng, Bộ sẽ thành lập năm trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn trên cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu của dân khi bám biển dài ngày” – Thứ trưởng Tám khẳng định.