Hàng ngày, đi học về là tôi cắm đầu vào cái gè cá ngũ sắc để chăm sóc, quan sát đàn cá “cưng” với đủ sắc màu. Cũng vì chịu khó tìm hiểu, nên tôi nhận ra con nào là tạp ăn, con nào tính tình hung dữ, con nào háu đá… Mỗi lần đi tắm sông tôi không quên lặn một hơi để vớt vài cây rong măng lên thả cho mát cá. Rồi những miếng thịt heo, thịt bò chút xíu còn dính trên tấm thớt của ngoại cũng được tôi tận dụng làm thức ăn cho cá.
Khi cá ngũ sắc mới đẻ thì toàn là màu đen, qua vài ngày tuổi cho đến vài tuần thì bắt đầu trổ màu rõ rệt trên lưng, mình cá. Nào là mình vàng, tia lửa, xanh da trời… Từ cuộc sống bầy đàn, khi những chú cá đến tuổi “vị thành niên” thì bắt đầu được tôi tách riêng cho vào cái chậu đá, chén sành để “om” cá, có khi năm bảy con, có khi bắt riêng ra 2 con để tập cho nó quen dần với “trận đấu”.
Để kích thích, làm cho cá ngũ sắc “hăng máu” mà đá nhau túi bụi, lũ trẻ nhà quê chúng tôi thường lấy cái đọt lá tre non rồi phết vào đầu nó, xỉa vào đuôi nó. Thế là nó nổi hứng lao vào đá nhau kịch liệt. Có những “trận chiến” cân tài cân sức kéo dài cả mấy phút; có những con ngay từ hiệp đầu đã bỏ chạy, bị đá chợt đầu, trầy vi tróc vảy là chuyện thường. Những con thua cuộc sớm được vớt ra cho vào bể cạn để làm cảnh, còn những con chịu đòn giỏi thì chăm sóc riêng để mang đi thi đấu với các đối thủ ở làng trên, xóm dưới.
Đá cá ngũ sắc đúng là trò chơi thú vị và cũng không kém phần tao nhã của bọn trẻ nhà quê chúng tôi thuở ấy…
Hai đối thủ này đang “hăng máu”, chuẩn bị đá nhau.
Đuôi cá ngũ sắc xòe ra thường rộng hơn cả mình cá.