Đầu tư hơn 150 triệu đồng cho gần 2 héc ta tôm thẻ chân trắng, ông Đỗ Trọng Quang, thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng vẫn không thể ngờ rằng tất cả vốn liếng, tài sản của gia đình đầu tư vào vụ tôm năm nay lại có thể bị mất trắng khi tôm đã gần đến kỳ thu hoạch. Đứng ngồi không yên, ông Quang xót xa “Công sức bỏ ra đã đành, số tiền đầu tư hơn 150 triệu đồng cho gần 2 héc ta tôm thẻ chân trắng bị mất trắng vì dịch bệnh cũng chính là số tiền gia đình vay của ngân hàng, giờ không biết lấy đâu để trả”.
Gần 20 năm sống bằng nghề nuôi tôm, ông Quang cũng không nghĩ rằng lại có ngày gia đình ông lại bị lỗ nặng như vụ tôm này. “Mấy năm trước mỗi năm gia đình đều thu về lãi từ 100 đến 150 triệu đồng, có năm khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng mấy năm gần đây, việc nuôi tôm trở nên khó khăn hơn khi tôm thường xuyên bị dịch bệnh chết. Năm nay thì dịch bệnh bị hoại tử gan khiến tôm chết hàng loạt, tôm chết trắng không thu được gì hết” – ông Quang chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Quang là hộ gia đình anh Mai Phước Chín, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Vụ tôm năm nay, anh Chín thả nuôi trên diện tích 5 héc ta. Bao nhiêu vốn liếng, của cải gia đình, anh Chín đều dồn hết vào việc đầu tư cho nuôi tôm, giờ tôm dịch bệnh, gia đình anh thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
“Năm nay dịch bệnh nhiều nên nuôi tôm không hiệu quả dù được đầu tư nhiều từ vốn liếng đến công sức. Năm ngoái tôm được mùa, gia đình tôi thu được từ 18 đến 20 tấn tôm, lãi gần 1 tỷ đồng. Vụ tôm năm nay thì lỗ, tôm dịch bệnh chết, giá tôm cũng giảm nhiều so với trước, nên lại càng lỗ hơn. Trước đây, 1 ký tôm thẻ chân trắng có giá bán ra thị trường khoảng 130.000 đồng thì nay chỉ còn 80.000 đồng/ký.” – anh Chín cho sẻ.
Được biết, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng hiện có 35 hộ nuôi tôm trên tổng diện tích 26 héc ta. Những năm gần đây, hiệu quả kinh tế tại đồng tôm Trường Định luôn dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang. Thu nhập cao, cho thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ nuôi tôm ở đây bắt đầu mở rộng diện tích nuôi.
Ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cho biết: Đây là mô hình nuôi tôm nước lợ, trước đây bà con nuôi tôm rất hiệu quả, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ con tôm, nhưng năm nay tôm dịch bệnh chết, khiến nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn. Hiện nay, hầu hết các ao nuôi đều bị nhiễm bệnh, ngoài những diện tích nuôi bị chết hàng loạt, nhiều hộ dân khác cũng tiến hành thu hoạch tôm sớm để tránh rủi ro. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt ở huyện Hòa Vang được cho là do tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio, gây hoại tử gan.
“Sau khi dịch bệnh xảy ra, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã xuống hướng dẫn người nuôi tôm xử lý khử trùng ao nuôi, hỗ trợ thuốc cloraminB xử lý nguồn nước, đồng thời yêu cầu người nuôi tôm xử lý ao hồ theo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi, tái sản xuất nhằm tránh dịch bệnh.” – ông Ngô Văn Xuân cho biết thêm.
Hỗ trợ bà con xử lý nguồn nước, hỗ trợ vốn vay, giúp bà con tái sản xuất, ông Nguyễn Đình Khánh Vân - Phó Chủ tịch Hội nông dân TP. Đà Nẵng cho biết, khó khăn nhất của bà con hiện nay là nhiều hộ dân vay tiền ngân hàng để đầu tư cho mô hình nuôi tôm, giờ không biết lấy tiền đâu trả nợ nên mong muốn được khoanh nợ để tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Ngoài việc giải quyết vấn đề về vốn vay cho bà con, hiện Huyện Hòa Vang cũng đề xuất Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ mô hình nuôi cua thương phẩm xen canh với tôm với diện tích khoảng trên 10.000 m2, nhằm tăng thu nhập cho bà con.