Nắm bắt xu hướng mua hàng trên mạng ngày càng phổ biến, cùng với lợi thế đặc sản miền sông nước được nhiều người ưa chuộng, những năm gần đây, ở miền Tây Nam Bộ ngày càng xuất hiện nhiều tiểu thương chợ mạng. Mùa Tết là dịp các tiểu thương chợ mạng hoạt động sôi nổi nhất. Sự cạnh tranh khốc liệt trên chợ mạng góp phần kiềm chế được tình trạng bị làm giá, đồng thời quảng bá thương hiệu đặc sản của miền Tây đến khắp mọi miền đất nước và "bay" ra cả thế giới.
Món gì cũng có
Những ngày cận Tết, lướt các trang mạng xã hội Zalo, Facebook sẽ thấy tràn ngập hình ảnh rao bán đặc sản của miền Tây Nam Bộ như thịt khô, cá khô, tôm khô, mắm... Hầu hết là những đặc sản thượng hạng, được trình bày bắt mắt, song giá cả cực kỳ dễ chịu.
"Rao bán trên mạng thì phải công khai giá cả và phải đúng giá, bởi khách hàng dễ dàng lựa chọn cùng loại mặt hàng chất lượng như nhau nhưng giá tốt hơn. Đồ gì có thể che giấu chất lượng được chứ đồ ăn thì không thể. Vì khách hàng có thể đánh giá ngay lập tức khi thưởng thức sản phẩm. Chỉ một lần mất uy tín, tiếng xấu đồn xa thì coi như dẹp tiệm. Ngược lại, hàng chất lượng, giá tốt thì khách sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè ủng hộ, việc buôn bán vì thế mà tăng theo cấp số nhân, làm không kịp bán" - chị Trần Loan Phương, tiểu thương chợ mạng chuyên bán các loại đặc sản cá, tôm khô ở huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), chia sẻ.
Cà Mau cũng là địa phương có rất nhiều đặc sản nổi tiếng nên số lượng tiểu thương tham gia chợ mạng để kinh doanh mặt hàng này ngày càng đông. Theo đánh giá của các tiểu thương chợ mạng Cà Mau, riêng địa phương này có thể đến hàng ngàn người tham gia, đủ các thành phần trong xã hội.
Chị Võ Khánh Linh (ở phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) là viên chức nhà nước với đồng lương xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng, nay trở nên khá giả chỉ sau 2 năm kinh doanh trên chợ mạng. Tình cờ hơn 2 năm trước, chị đặt hàng mua cá khô, tôm khô làm quà biếu Tết, được nhiều người khen ngon và nhờ đặt mua thêm giùm bạn bè số lượng lớn. Nhận thấy việc buôn bán tiện lợi, không phụ thuộc thời gian, địa điểm bán hàng nên chị quyết định làm thử rồi bén nghề luôn.
"Ban đầu, tôi lấy hàng làm sẵn ở các cơ sở uy tín bán lại. Về sau, thấy không cạnh tranh nổi giá và không lời nhiều nên học hỏi cách chế biến và mua nguyên liệu tươi về tự làm. Vấn đề chất lượng sản phẩm nằm ở khâu nguyên liệu là chính. Như tôm làm khô thì chọn tôm đất tươi sống có nguồn gốc ở huyện Đầm Dơi là chất nhất, cũng như ba khía ở Rạch Gốc, cá dứa ở Tam Giang… Mùa Tết này khách đặt hàng qua mạng lên đến cả tấn tôm khô, cá khô các loại, thu nhập được hơn 100 triệu đồng. Ngày thường thì cũng bán được quanh năm, thu nhập hằng tháng gấp mấy lần tiền lương" - chị Linh tiết lộ.
Cũng là công chức, chị Đinh Ngọc Vẹn (ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) tham gia đội ngũ tiểu thương chợ mạng được hơn 1 năm, kinh doanh hầu như không thiếu món đặc sản khô nào của vùng đất Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó có những loại đặc sản còn xa lạ với không ít người miền Tây như: khô rắn, khô trâu, khô cá sấu… Chị Vẹn cho biết chỉ trong 1 tháng cuối năm, chị và các đồng nghiệp kiếm được mỗi người hàng trăm triệu đồng từ nghề bán đặc sản trên chợ mạng.
Không chỉ có chị em, nhiều nam giới cũng tham gia công việc có vẻ đang thịnh hành và ăn nên làm ra này. Anh Trần Hải Đăng ở Cà Mau từng làm chủ nhà hàng rồi quán cà phê nhưng việc kinh doanh không thuận lợi nên quyết bỏ hết, về quê sang đất nuôi tôm, cua và làm khô đóng gói rao bán trên chợ mạng. Chỉ vài tháng sau, đơn hàng về tấp nập, anh làm không kịp bán.
"Ngày nào cũng có vài đơn hàng từ Cần Thơ, TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…, chưa kể trong tỉnh và nhiều địa phương khác. Riêng tháng cuối năm, có ngày mấy chục đơn hàng, đáp ứng không kịp. Có cả kiều bào ở nước ngoài đặt hàng nữa. Hồi đó, kinh doanh chán quá mới quyết định về quê cho an nhàn mà không ngờ việc kinh doanh trên mạng lại thuận lợi ngoài dự tính. Giờ tôi có muốn nhàn cũng không được, thậm chí còn bận rộn hơn trước, phải thuê thêm người làm" - anh Đăng vui vẻ khoe.
Cạnh tranh khốc liệt
Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh thực phẩm online, chị Lê Thanh Tú (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), chuyên kinh doanh đặc sản Sông Đốc trên trang Facebook cá nhân, cho biết những mặt hàng tôm, cá khô chị kinh doanh online quanh năm nhưng bán chạy nhất là từ khoảng tháng 11 âm lịch đến giáp Tết. Những sản phẩm được khách hàng yêu thích là cá khô bổi, khô tôm tích, khô mực, tôm đất khô…
"Vấn đề quan trọng của việc kinh doanh trên mạng là phải giữ uy tín, chất lượng và giá cả. Chất lượng ngày càng phải tốt hơn và giá phải cạnh tranh. Có được hàng trăm khách hàng thường xuyên nhưng chỉ cần sơ suất, đánh mất uy tín với một người thôi thì thiệt hại sẽ không lường hết. Khác với việc bán đồ ngoài chợ trời, có sự cố thì chỉ có mình và khách đó biết, xin lỗi, bồi thường thiệt hại là xong. Còn trên mạng thì số người tương tác rất nhiều, một lần bất tín thì rất khó lấy lại niềm tin của nhiều khách hàng" - chị Tú đúc kết.
Người kinh doanh online ngày càng nhiều, giá cả cạnh tranh mà chất lượng vượt trội nên chị Tú phải đi tận các ghe biển để tìm nguồn hàng ngon và giá cả phải chăng cho khách, không mua hàng qua trung gian. "Khô mực và khô tôm tích đều do người ta làm ngoài biển rồi bán lại cho tôi. Ưu thế của mình là ở ngay cửa biển lớn nhất Cà Mau nên mối hàng giá tốt cho khách rất nhiều, chỉ cần chịu khó đến tận nơi xem hàng và tốn công vận chuyển nhưng sẽ bảo đảm được chất lượng. Giờ có quá nhiều người bán nên cạnh tranh khốc liệt lắm" - chị Tú cho biết.
Hơn 2 năm kinh doanh đặc sản Tết online, anh Huỳnh Đức Quang (ngụ xã Lâm Hải, huyện Năm Căn) rút ra được kinh nghiệm hàng đầu là nhu cầu mọi người muốn sử dụng những sản phẩm đặc sản Cà Mau uy tín, chất lượng. Mặt hàng chủ yếu mà anh Quang kinh doanh là khô cá thòi lòi, khô tôm tích, tôm khô, khô mực. Theo anh Quang, khô cá thòi lòi có giá 350.000 đồng/kg, là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, nhất là khách ở TP Cần Thơ và TP HCM.
"Tuy là đặc sản không nơi nào có nhưng giá như vậy là ổn vì cá thòi lòi hiếm ở đâu chứ riêng vùng này thì nhiều vô kể và người ta thực sự chú ý đến thịt của nó chỉ khoảng hơn chục năm nay thôi. Ngày trước do độc quyền nên có khi dịp Tết người ta đẩy giá lên cả triệu đồng/kg. Nhưng bây giờ khô cá thòi lòi bán khắp trên mạng nên không thể nâng giá tùy tiện được" - anh Quang nói.
Đưa thương hiệu đặc sản miền Tây bay xa
Chợ mạng sở hữu lợi thế là kết nối được lượng khách hàng lớn và rộng khắp. Cùng với dịch vụ vận chuyển hàng hóa ngày càng phát triển đã góp phần quảng bá và đưa đặc sản miền Tây đến mọi miền đất nước, kể cả nước ngoài. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm chính là chất lượng sản phẩm. Để những thương hiệu đặc sản miền Tây ngày càng được khách hàng nhiều nơi tin dùng, nhiều người kinh doanh online ở miền sông nước cho rằng cần đặt cái tâm lên hàng đầu.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh ở TP HCM cho biết gia đình bà rất hay mua đặc sản miền Tây qua mạng. "Thay vì phải bận bịu mua sắm, mọi người chỉ cần ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu vẫn có thể chọn được món đồ "độc", lạ và vừa ý mà có khi ra chợ tìm không thấy. Nhất là thời điểm cuối năm, ai cũng bận rộn với nhiều việc nên mua quà biếu và những món ngon đặc sản cho gia đình qua mạng sẽ tiện lợi và đỡ mất thời gian hơn. Giờ đặt hàng bán trên mạng thật sự rất chất lượng và giá cạnh tranh nên tôi hoàn toàn yên tâm" - bà Oanh nói.