Đồ thị giao dịch NTB trong tuần từ 3 - 10/5/2012
Vậy sự thực NTB có phải là “đại gia” hay không ?
Ông Trần Văn Trí - Tổng Giám đốc Cty thủy sản Bình An (Bianfishco - BAF) cho biết đối tác bơm 500 tỉ đồng giúp Bianfishco hồi sinh chính là Cty cổ phần xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB).
Vậy NTB là ai, tình hình sản xuất kinh doanh của NTB thế nào và cổ phiếu của NTB được giới đầu tư đón nhận hay không?… Khi thông tin này lan ra nhiều nhà đầu tư trên sàn rất ngạc nhiên vì NTB lấy đâu ra 500 tỉ đồng, trong khi bản thân NTB còn chưa tìm được cách để cứu mình ra khỏi mớ bòng bong bất động sản.
Từ thương vụ Bianfishco
Thực ra, sự việc sẽ chẳng có gì để bàn cãi nếu NTB bơm vốn cho Bianfishco trong điều kiện hoạt động kinh doanh của NTB ổn định và phát triển tốt, tiền mặt dồi dào. Đằng này, theo báo cáo tài chính, Cty báo lỗ hơn 1 tỉ đồng trong năm 2011 và Cty mẹ chỉ lãi vỏn vẹn 500 triệu đồng trong quý 1/2012. Đặc biệt, trong năm 2011, lợi nhuận thuần từ hoạt động chính của NTB âm đến hơn 31 tỉ đồng. Cty ghi nhận khoản lỗ thấp nhờ hơn 84 tỉ đồng thu nhập từ đánh giá lại quyền sử dụng đất và 41,1 tỉ đồng thu nhập khác.
Thậm chí, NTB còn chưa trả được cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt mà phải xin ý kiến cổ đông để có thể trả bằng cổ phiếu với tỉ lệ 10,5% và tăng vốn lên gần 398 tỉ đồng. Trước đó, NTB đã 3 lần hứa sẽ trả cổ tức cho cổ đông nhưng đều không thể thực hiện.
Chẳng những vậy, tại ngày 31/03/2012, Cty đang gánh khoản nợ phải trả lên đến 1.930 tỉ đồng, tăng khoảng 50 tỉ đồng so với đầu năm. Phần lớn là nợ dài hạn với 1.152 tỉ đồng và 778 tỉ đồng nợ ngắn hạn.
Thuyết minh báo cáo tài chính quý 1/2012 của NTB cho thấy, Cty còn nợ ngắn hạn ngân hàng BIDV 58,96 tỉ đồng và 106 tỉ đồng nợ SouthernBank . Nợ vay dài hạn của Cty là 602 tỉ đồng, trong đó nợ NamABank 87 tỉ đồng và Ngân hàng Agribank 515.24 tỉ đồng. Và sẽ càng khó hiểu hơn khi NTB nói rằng số tiền 150 tỉ đồng (tức 30% vốn hỗ trợ Bianfishco) là từ nguồn vốn của NTB, bởi số dư tiền mặt của Cty đến 31/03/2012 chỉ vỏn vẹn 616 triệu đồng. Giá trị hàng tồn kho của NTB đến cuối tháng 3/2012 là hơn 1.136 tỉ đồng nhưng đều là chi phí xây dựng dở dang của các dự án bất động sản của Cty…
... đến những chiêu trò “làm giá” trên TTCK
Trước sự việc này, Sở Giao dịch CK HoSE yêu cầu NTB giải trình. Theo NTB việc đầu tư vào Bianfishco, trong đó, 30% số tiền (tương ứng 150 tỉ đồng) là từ các đối tác đầu tư nước ngoài.
Theo NTB, hoạt động xuất khẩu thủy hải sản là một ngành đầy tiềm năng, hiệu quả cao. Trong khi đó, Bianfishco là một trong những đơn vị hàng đầu về kinh doanh mặt hàng này và có nguồn khách hàng tiềm năng rất lớn tại Mỹ. Trong bối cảnh Chính phủ đang có chủ trương ưu đãi về vốn với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thì theo NTB, đây là cơ hội đầu tư khá tốt. NTB nhận thấy việc đầu tư vốn hợp tác kinh doanh 500 tỉ đồng cho Bianfishco để xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường Mỹ, trong đó có 350 tỉ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng sẽ không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh chính của NTB là kinh doanh bất động sản. Nguồn trả nợ gốc và lãi vay tín dụng Cty sẽ lấy từ lợi nhuận của hoạt động hợp tác kinh doanh xuất khẩu thủy sản…
Chuyện kinh doanh giữa NTB và Bianfishco còn đang chờ hồi kết, nhưng thương vụ đình đám này làm tên tuổi của “đại gia” NTB nổi như cồn. Nhìn ở 1 góc hẹp, từ một Cty không tên tuổi, giá cổ phiếu hạng hai không được mấy nhà đầu tư nhòm ngó, khoảng 4.000 đồng/CP nhưng khi thông tin NTB bơm vốn cứu Bianfishco (ngày 10/5), được công bố cổ phiếu này tăng vọt từ 4.000 đồng/CP lên 7.800 đồng/CP (tăng 32,8%).
Trên sàn chứng khoán, mặc dù các chỉ số về báo cáo tài chính của NTB không đẹp với các khoản nợ vay chồng chất, nhưng thông tin được các nhà đầu tư rỉ tai nhau lập tức như trái bom công phá. Các đội lái tung tiền vào khiến cổ phiếu có thị giá thấp lập tức rơi vào tình trạng hot nhất sàn HoSE. Ngày 8/5 khi thông tin lan ra, trước đó một số nhóm nhà đầu tư không rõ là cổ đông của NTB hay thành viên trong ban lãnh đạo NTB nắm được thông tin nên họ đã âm thầm mua vào. Và đỉnh điểm trong ngày 10/5 khi phía Bianfishco công bố thông tin “đại gia” cứu mình, trong phiên này giá cổ phiếu NTB đạt 14,5 tỉ đồng giá trị giao dịch với hơn 1,8 triệu đơn vị cổ phiếu được chuyển nhượng.
Những nhà đầu tư vẫn thấm nhuần chiến thuật “bán khi ra tin tốt” và NTB là thành quả của không ít nhà đầu nắm vững chiến thuật này. Không ngoa khi nói rằng NTB có chiêu trò làm giá “độc nhất vô nhị” trên thị trường chứng khoán. Sau ngày 10/5 đến nay cổ phiếu NTB đã rơi kịch sàn, và nhiều nhà đầu tư còn ngỡ ngàng không biết rằng ai đã “bắt tay” nhau làm giá? Được biết NTB đã có giải trình với lãnh đạo sàn HoSE, tuy nhiên điều này vẫn đang là dấu hỏi?
Không chỉ riêng NTB
Trong thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến nhiều trường hợp bị cho là sử dụng “chiêu trò”. Điển hình như SCR (Cty CP địa ốc Sài Gòn Thương tín) đã bán chính cổ phiếu Cty mẹ STB) lợi nhuận là không nhỏ, mặc dù SCR kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đang gánh như những khoản nợ khổng lồ. Với chiến thuật tin ra, cổ phiếu SCR tăng chóng mặt 11 phiên liên tiếp dẫn tới cơn khát cổ phiếu họ nhà SCR trên sàn HNX. Rồi đến BKC (Cty CP Khoáng sản Bắc Kạn) mặc dù quí 1 lỗ 3,7 tỉ đồng nhưng với chiến thuật “tung tin trước bán cổ phiếu sau” khiến cho cổ phiếu BKC tăng đến chóng mặt và theo đó là toàn bộ thành viên Hội đồng Quản trị tung hết cổ phiếu ra bán. Rồi cổ phiếu NVT (Cty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay) cũng là một ví dụ điển hình với thông tin kêu gọi vốn cho dự án Six Senses Saigon River. Vì dự án này đã triển khai được 50% các hạng mục, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ dự án này, lập tức cổ phiếu NVT đã có 11 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Kéo theo sau đó là toàn bộ thành viên ban kiểm soát và hội đồng quản trị bán sạch cổ phiếu đang nắm giữ…
Những chiêu trò làm giá, thổi phồng cổ phiếu đang diễn ra với tần suất khá thường xuyên trên thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nếu không cẩn trọng rất dễ mắc mưu và “rước họa vào thân”.
Nhìn rộng ra thị trường chứng khoán Mỹ và một số nước trên thế giới đã có hàng trăm năm kinh nghiệm, thì thị trường chứng khoán VN còn rất non trẻ, nhưng các chiêu trò làm giá, mánh lới, thổi phồng, đánh bóng thương hiệu đã hội tụ đủ cả. Và điều này nếu không có những chế tài xử lý sẽ là một cản trở không nhỏ đến tương lai phát triển của TTCK VN.