Dẫn chúng tôi lên sân thượng tầng 4 để thăm mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá sạch của mình, cô Mai Sương cho biết, nhờ khoảng sân thượng rộng chỉ 16 m2 mà 3 năm nay cô không còn phải mua rau ở chợ.
Cô bảo, cả nhà cô sợ rau ngoài chợ không an toàn, người trồng phun rất nhiều chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ 2 ngày là cho thu hoạch. Còn rau mình tự trồng, mỗi lứa được hái cũng phải cách nhau cả tuần.
“Chỉ so sánh vậy đã thấy rau ở chợ liệu có an toàn không. Vì thế tôi cố gắng trồng tất cả các loại rau có thể, từ muống, cải cho tới ngót Nhật, hành, hẹ, mùi... ”, cô Sương nói.
Theo cô Sương, sau 3 năm trồng rau sạch, cô đã có nhiều kinh nghiệm hơn nên khi biết tới mô hình nuôi cá sạch kết hợp với trồng rau trên sân thượng, cô tìm hiểu rất kỹ và quyết định thuê kỹ sư làm thêm một hệ thống trồng rau nuôi cá hiện đại ngay trên sân thượng.
“Nếu trồng thùng xốp thì chỉ cung cấp đủ rau ăn cho gia đình cô, còn các con thì không có rau ăn. Nhưng làm hệ thống này, cô sẽ thu được hai loại thực phẩm (rau sạch và cá sạch) để các con cũng có thể sử dụng”, cô khoe.
Hệ thống trồng rau kết hợp nuôi cái của cô Sương rất hiện đại, hoàn toàn tự động. “Ao” nuôi cá là một bồn nước chứa được nửa mét khối nước. Nước từ ao cộng với phân cá sẽ được bơm trược tiếp lên hệ thống các khay trồng rau. Ở các khay cô sử dụng đất sét nung để trồng rau, đất sét cũng làm nhiệm vụ lọc cho nước sạch để bơm quay trở lại bể.
Một ngày cô bơm khoảng 12-14 tiếng để lọc nước ở “ao” cá tưới rau luôn.
Sau vài tuần thử nghiệm với mô hình nuôi cá và trồng rau trên sân thượng, cô Sương thấy rau và cá phát triển tỷ lệ thuận với nhau. Phân cá được bơm lên theo nước sẽ làm chất dinh dưỡng để cho cây phát triển. Rau sẽ không cần bón thêm bất cứ loại phân nào nữa mà vẫn phát triển xanh tốt. Còn cá, thức ăn ban đầu là cám, sau quen rồi chuyển sang cho ăn cơm và rau nên lớn rất nhanh.
Cô Sương cũng lưu ý, người nuôi nên chọn giống cá rô phi bởi cá này lớn rất nhanh, sống khỏe và tự sinh sản được. Hiện cô đang nuôi thử nghiệm rô phi và chép, cả hai loại cá phát triển khá ổn, song, con rô phi vẫn phát triển vượt trội hơn.
Nói về mô hình này, anh Tuấn Anh, chuyên thiết kế hệ thống nuôi cá kết hợp trồng rau sạch trên sân thượng ở Hà Nội, cho biết, đó là do dân mình học hỏi ở nước ngoài rồi đưa về Việt Nam. Trong Sài Gòn có rất nhiều người áp dụng thành công, nhưng ở Hà Nội thì còn khá mới bởi chi phí đầu tư ban đầu khá đắt đỏ.
Tuy nhiên, theo anh Tuấn Anh, mặc dù chi phí ban đầu khá cao nhưng cho hiệu quả tỷ lệ thuận. Hệ thống có thể sử dụng trong nhiều năm, năng suất rau rất cao. Riêng về cá, theo đúng lý thuyết thì một “ao” khoảng 1m3 có thể cho thu hoạch 1 tạ cá. Song, để đạt được mức đó rất khó, đòi hỏi người nuôi phải chăm sóc rất kỹ, hệ thống điện để bơm cung cấp oxi cũng phải đảm bảo, nếu không cá sẽ chết.
Ngoài thực tế, mọi người có thể nuôi tùy thích, nuôi mật độ thưa cá nhanh lớn. “Như nhà tôi nuôi, cá chỉ tầm hơn một tháng là to bằng bàn tay, lúc đó tôi có thể bắt lên ăn. Tôi nuôi gối nhau, con nào lớn bắt trước, con nhỏ lại lớn lên, cứ thế lúc nào nhà cũng có cá sạch”, anh Tuấn Anh nói.
Dựa theo mô hình trồng rau thủy canh Aquaponics, nhiều người áp dụng thành mô hình nuôi cá kết hợp trồng rau sạch trên sân thượng
Bể nuôi cá cá thể là những bồn nước, độ lớn của bồn tùy vào diện tích sân thượng
Mật độ cá nuôi trong bể cũng tùy thuộc vào mỗi người, nếu chăm tốt có thể thả mật độ dày, còn nếu thả ở mật độ thưa cá sẽ nhanh lớn
Trong khi đó, nước bẩn từ bể cá được tự động bơm lên hệ thống trồng rau. Nhờ đất sét nung, nước bẩn sẽ được lọc sạch và bơm quay trở lại bể cá
Rau phát triển rất nhanh. Theo cô Mai Sương, có thể trồng rất nhiều loại rau như: muống, dền, cải...
Ngoài hệ thống trồng rau, nuôi cá hiện đại, cô Mai Sương còn trồng rất nhiều loại rau sạch trong thùng xốp...
... hay trong các tháp trồng cây
Sắp tới, khi hệ thống trồng rau nuôi cá phát triển ổn định, cô Mai Sương sẽ dùng toàn bộ thùng xốp trồng rau cũ để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả